Những tai biến khi chỉnh sửa mũi
Tổn thương hệ thần kinh là một trong những tai biến nặng khi chỉnh sửa mũi, bên cạnh nhiễm trùng, hoại tử, mũi bị vẹo, lệch...
Ngày 5/6, cơ quan chức năng thông tin trường hợp người phụ nữ 33 tuổi đến nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ tại quận 1, TP HCM. Sau khi được tiêm một ống thuốc tê ở vành tai, bệnh nhân lơ mơ, hôn mê, được cấp cứu nhưng tử vong. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do sốc phản vệ độ 4; nghi do ngộ độc, phản vệ thuốc tê dẫn đến suy đa cơ quan, ngừng tuần hoàn hô hấp.
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Hải, Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, cho biết chỉnh sửa mũi là những thủ thuật can thiệp tới mũi nhằm thay đổi kích thước, hình dáng, từ đó giúp mũi cải thiện được những khuyết điểm và trở nên hài hòa hơn với cấu trúc của khuôn mặt. Các phương pháp chỉnh sửa mũi cũng giúp chỉnh sửa những biến dạng do dị tật bẩm sinh, chấn thương.
Các kỹ thuật chỉnh sửa mũi hiện nay gồm hai loại: Thủ thuật ít xâm lấn (tiêm chất làm đầy, cấy chỉ nâng mũi) và phẫu thuật nâng mũi (bao gồm phẫu thuật tạo hình mũi, nâng mũi bằng sụn sườn, sửa cắt chỉnh hình xương mũi).
Bác sĩ nhận định việc thực hiện chỉnh sửa mũi tại các cơ sở không uy tín, tay nghề bác sĩ kém, chất liệu không đảm bảo có thể khiến người bệnh gặp phải biến chứng. Trong đó, nguyên nhân thường gặp do các chất phụ gia trong hỗn hợp chất làm đầy, biến chứng do thuốc tê, chỉ sinh học. Một số trường hợp gây mê sẽ có phản ứng thuốc gây mê đi kèm.
"Hầu hết tai biến nặng gặp là do nguồn gốc chất làm đầy hoặc ngộ độc thuốc tê tại chỗ", bác sĩ cho hay.
Một trong những tai biến nặng bệnh nhân có nguy cơ đối mặt là tổn thương hệ thần kinh trung ương, dấu hiệu tiến triển qua các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ có triệu chứng đắng miệng, mùi kim loại, tê quanh miệng môi, ù tai, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, mệt, khó chịu.
Biến chứng nặng hơn, bệnh nhân có thể kích động vật vã, trợn mắt, nhãn cầu đảo nhiều, lú lẫn, rung giật, co giật; mức độ nguy kịch sẽ gây ức chế thần kinh trung ương với biểu hiện ngủ lơ mơ, đờ đẫn, hôn mê sâu.
Bên cạnh tổn thương hệ thần kinh trung ương, một số biến chứng thẩm mỹ khác bao gồm mũi sưng nề, ứ dịch, nhiễm trùng, sống mũi bị vẹo, lệch, lộ đầu sụn, hoại tử mũi. Trong đó, nhiễm trùng là biến chứng hay gặp, xảy ra khi quá trình phẫu thuật không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn phòng mổ, dụng cụ mổ, tay phẫu thuật viên, vật liệu ghép đặc biệt là sụn, mảnh ghép nhân tạo. Khi bị nhiễm trùng sẽ xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau và thường xảy ra trong 3-5 ngày sau phẫu thuật.
Hoại tử mũi là biến chứng nguy hiểm, do tình trạng thiếu máu nuôi. Trường hợp hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể cần chăm sóc, ghép da mất khá nhiều thời gian.
Bác sĩ Hải nhận định hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt một số phẫu thuật nâng mũi, cắt mí, tiêm chất làm đầy rất dễ thực hiện nên nhiều người học theo, nhiều nhân viên y tế tay nghề kém, khi thực hành trên bệnh nhân gây biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo các bác sĩ hay nhân viên y tế trước khi thực hiện độc lập tại phòng khám nên đi học lớp định hướng cơ bản hoặc thực tập tại chuyên khoa hồi sức cấp cứu; gây mê hồi sức 3-6 tháng để có thêm kinh nghiệm xử trí những vấn đề xảy ra khi làm thủ thuật, phẫu thuật.
Thực tế cho thấy, các trường hợp ngộ độc thuốc tê diễn biến vô cùng nhanh chóng, nhân viên y tế cần cẩn trọng, bình tĩnh xử lý, nắm bắt các dấu hiệu đáng nghi và đưa ra chẩn đoán ngay tức thì, đồng thời phối hợp các chuyên khoa, đặc biệt là gây mê hồi sức và sử dụng thuốc đúng theo phác đồ.
Khi sử dụng các chất làm đầy, thuốc tê, vật liệu y tế, cần hiểu kỹ về những biến chứng nguy cơ, tác dụng phụ không mong muốn, tránh xảy ra những tai biến.
Người dân có nhu cầu chỉnh sửa mũi nên đến cơ sở y tế được cấp phép, có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu, phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm, có hệ thống chăm sóc hậu phẫu, bảo hành và xử lý khắc phục trong và sau làm phẫu thuật, thủ thuật.