Những lý do khiến người lớn gặp biến chứng do sởi
Việc không tiêm vaccine, không khám bệnh và tự điều trị... khiến nhiều người lớn mắc sởi gặp biến chứng.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trước tình hình số ca mắc trên cả nước tiếp tục tăng, nhiều người lớn mắc phải nhập viện, gặp biến chứng viêm gan, viêm phổi, suy hô hấp khi mắc sởi. Theo bác sĩ, người lớn chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đầy đủ có nguy cơ cao nhập viện do cơ thể chưa hình thành kháng thể với sởi hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Người lớn mắc sởi vẫn gặp các biến chứng nghiêm trọng. Lý do, virus sởi có thể tấn công vào máu, theo các bạch cầu, virus đến các phủ tạng như phổi, lách, hạch, da, gây tổn thương các cơ quan và các triệu chứng lâm sàng thời kỳ toàn phát.
Nếu cơ thể có khả năng tiếp tục sản sinh kháng thể chống lại, virus sẽ bị loại khỏi máu, chuyển sang thời kỳ giảm bệnh. Trường hợp không có kháng thể, hoặc kháng thể suy giảm, virus sởi sẽ nhân lên ồ ạt làm bệnh nặng hơn, gây suy giảm miễn dịch, bội nhiễm thêm nhiều tác nhân vi khuẩn khác hoặc trầm trọng thêm các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn...
Nghiên cứu 294 bệnh nhân sởi nhập Bệnh nhiệt đới TP HCM từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2020 độ tuổi 25-35, cho thấy có 92 trường hợp mắc sởi có biến chứng, trong đó viêm phế quản là phổ biến nhất với 57,6%, tiếp theo là viêm phổi 27,2%. Tỷ lệ biến chứng cao hơn ở những bệnh nhân bị sốt trong thời gian hồi phục, ho có đờm và tăng bạch cầu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người lớn có thể chiếm khoảng 10-20% các trường hợp mắc bệnh sởi trong các đợt bùng phát.
Lý do khác khiến người lớn nhập viện trong tình trạng nặng là tâm lý chủ quan coi sởi là bệnh nhẹ, hoặc nhầm với cúm. Việc này dẫn đến tự ý điều trị và nhập viện muộn. Như trường hợp người đàn ông 35 tuổi ở Đăk Nông sốt, mệt, nổi phát ban nhưng nghĩ các nốt phát ban lặn sẽ hết bệnh nên tự mua thuốc uống. Đến ngày bệnh thứ 4, anh bị kiệt sức, mắt đỏ ngầu, ho, sốt, tiêu chảy, nhập viện điều trị hồi cuối tháng 11.
Bác sĩ Phong đánh giá số nhiễm sởi trên toàn quốc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, dẫn tới số ca bệnh nặng tăng lên. Việc tiêm vaccine cho trẻ em và người lớn là giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cần đạt từ 95% trở lên.
Hiện Việt Nam sử dụng ba loại vaccine gồm: mũi sởi đơn; mũi kết hợp phòng sởi và rubella hoặc sởi - quai bị - rubella cho trẻ từ chín tháng tuổi và người lớn. Người lớn cần tiêm đủ ít nhất hai mũi cách nhau một tháng nếu chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó.
Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi, chỉ tiêm chủng sởi khi có chỉ đạo cần thiết. MVVAC (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ từ sáu đến chín tháng khi có dịch. Đến 9 hoặc 12 tháng tuổi cần hoàn thành lịch tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài việc tiêm vaccine, cần hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng và sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng để tránh lây nhiễm sởi. Trường hợp không may bị bệnh, người lớn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc. Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất, uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng để nhanh khỏi bệnh. Tuyệt đối không nên tự sử dụng thuốc theo triệu chứng, hoặc chủ quan khiến bệnh trở nặng hơn.
Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có tốc độ lây lan mạnh. Người khỏe mạnh hít phải giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi có nguy cơ cao mắc bệnh. Khoảng 90% những ai chưa tiêm vaccine đều bị nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người lớn cũng có thể mắc sởi, đặc biệt người chưa tiêm vaccine hoặc có khả năng miễn dịch yếu.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam có hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 ca tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Biểu hiện của sởi gồm sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Ở người lớn, triệu chứng bệnh sởi thường không điển hình, phát ban muộn, dẫn tới phát ban muộn. Tuy nhiên, dấu hiệu trở nặng thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ, thường gặp ở người có cơ địa quá mẫn cảm ở cuối giai đoạn khởi phát và trước khi mọc ban. Các triệu chứng bao gồm: sốt cao vọt 39-41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn...