Những loại thức uống nên dùng và tránh khi chóng mặt
Trà gừng, nước ép giàu vitamin C, kali tốt cho não, trong khi cà phê, đồ uống nhiều đường và rượu bia có thể khiến chóng mặt nặng thêm.
Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, có thể đi kèm buồn nôn, đau đầu hoặc nhìn đôi... Tình trạng này do nhiều nguyên nhân như bất thường ở tai trong, hệ thần kinh, say tàu xe hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người bị chóng mặt thường xuyên nên đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân, có hướng điều trị hiệu quả.
Người bị chóng mặt, nhất là do rối loạn tiền đình, say tàu xe hoặc tác dụng phụ của thuốc, nên uống nhiều nước. Một số loại đồ uống cung cấp các dưỡng chất có lợi cho não, hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Trà gừng: Gừng có tác dụng chống buồn nôn, giảm chóng mặt. Ngâm một lát gừng tươi trong cốc nước sôi khoảng 5 phút, thêm mật ong để tăng hương vị, uống hai lần một ngày.
Sữa từ các loại hạt: Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt phỉ... chứa nhiều vitamin E, B, hỗ trợ hoạt động của não bộ, hệ thần kinh. Những dưỡng chất này giúp truyền tải tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan trong cơ thể, cải thiện tình trạng chóng mặt.
Nước từ rau quả giàu vitamin C: Vitamin C có vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng chóng mặt, nhất là ở người mắc bệnh Meniere (một dạng đau nửa đầu kèm chóng mặt). Dâu tây, ớt xanh, cà chua, rau lá xanh đậm, dưa lưới, súp lơ xanh, chanh... có thể được chế biến thành nước ép hoặc sinh tố. Pha nước cốt chanh với mật ong, đường hoặc một chút muối, uống 2-3 lần mỗi ngày, có tác dụng cải thiện chóng mặt.
Nước từ quả giàu kali: Kali điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể. Sự tích tụ chất lỏng ở tai trong có thể gây chóng mặt, nên bổ sung kali từ các loại quả tươi hoặc nước ép, sinh tố như chuối, nho hoặc nước ép quả mơ ngâm có thể giảm triệu chứng.
Nước hạt rau mùi (ngò rí) và mật ong: Rau mùi chứa đồng, magiê, canxi, sắt cùng mangan, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt, nuôi dưỡng não bộ, cải thiện chức năng tinh thần. Khi kết hợp với mật ong, hỗn hợp này có thể giảm tình trạng chóng mặt. Ngâm một thìa hạt rau mùi trong nước qua đêm, sau đó thêm mật ong vào, uống vào buổi sáng.
Nước tía tô: Các chất trong lá tía tô có tác dụng làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng, mất ngủ, trầm cảm, chóng mặt. Đun sôi một cốc nước với lá, thân tía tô trong 10 phút, sau đó lọc lấy nước uống.
Người bị chóng mặt cần tránh một số loại đồ uống dưới đây.
Cà phê và đồ uống chứa caffeine: Caffeine có thể làm tăng cảm giác ù tai, kích thích hệ thần kinh, khiến chóng mặt nặng hơn. Caffeine thường có trong cà phê, trà, nước tăng lực và soda.
Rượu: Rượu làm tăng cảm giác mất thăng bằng, buồn nôn và chóng mặt.
Đồ uống có hàm lượng đường cao: Đường có thể gây đau đầu, làm trầm trọng thêm các triệu chứng chóng mặt.
Chóng mặt đột ngột, kéo dài có thể cảnh báo bệnh nguy hiểm, người bệnh nên lưu ý đi khám sớm. Sử dụng các sản phẩm bổ sung chứa hoạt chất thiên nhiên như blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) giúp tăng cường dưỡng chất lên não, cải thiện tình trạng chóng mặt.