Những bệnh dễ lây truyền khi kết hôn
Vợ chồng có thể truyền cúm, viêm gan B, sùi mào gà, sốt xuất huyết cho nhau hoặc cha mẹ lây sang con.
Theo BS.CKI Lê Thị Trúc Phương - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều cặp đôi cưới cuối năm và có kế hoạch sinh con đầu năm sau. Để có hôn nhân trọn vẹn, uyên ương cần tiêm những loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, có thể ảnh hưởng sức khỏe, nhất là thai nhi dưới đây.
Cúm
Cúm lưu hành quanh năm, dễ lây lan qua hắt hơi, ho, tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Mới đây, Bình Định ghi nhận bốn ca tử vong trong một tháng nhiễm cúm A/H1N1.
Mẹ bầu hệ miễn dịch yếu thường dễ mắc cúm, dẫn đến biến chứng viêm phổi, tăng nguy cơ thở máy, đình chỉ thai kỳ, sinh non, tăng khả năng dị tật thai nhi như hở hàm ếch, rối loạn tâm thần.
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá phòng 4 chủng virus phổ biến gồm: A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, nhắc lại hàng năm một mũi.
Phụ nữ cần tiêm cúm trước, trong khi mang thai, tốt nhất vào ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ để bảo vệ, truyền kháng thể cho con.
Sởi, quai bị, rubella
Hiện nước ta ghi nhận số ca mắc sởi tăng hơn 111 lần so với 2023, trong đó có thai phụ, người 20-40 tuổi, chủ yếu chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều. Mẹ bầu mắc sởi nguy cơ cao bị thai lưu, sinh non.
Quai bị không chỉ gây viêm buồng trứng, thai lưu, còn dẫn đến biến chứng vô sinh ở nam. Khoảng 80% trẻ bị rubella bẩm sinh nếu mẹ nhiễm bệnh trong 12 tuần đầu thai kỳ, nguy cơ trẻ chào đời bị dị tật, chậm phát triển.
Người lớn (không rõ lịch sử tiêm chủng) cần tiêm hai mũi cách nhau một tháng. Nên tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella trước khi có thai ba tháng, tối thiểu một tháng.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết gây nhiều biến chứng như sốc, suy đa tạng, trụy tim mạch, tử vong. Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con nếu bị sốt cao dẫn đến trụy tim, sốc, cô đặc máu, nhất là giai đoạn đầu hoặc cuối thai kỳ.
Vaccine sốt xuất huyết phòng 4 type huyết thanh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng cho cả trẻ từ 4 tuổi trở lên lẫn người lớn. Phụ nữ nên tiêm trước khi mang thai ba tháng hoặc tối thiểu một tháng.
Thủy đậu
Mẹ bầu mắc bệnh có thể gây hội chứng thủy đậu bẩm sinh cho con như đục thủy tinh thể, dị tật đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần... 5 ngày trước sinh và sau sinh, người thân mắc bệnh có thể lây thủy đậu cho bé, tỷ lệ tử vong 25-30%.
Trẻ sơ sinh bị thủy đậu có nguy cơ mắc zona thần kinh sớm do sự tái kích hoạt của virus. Người lớn cần tiêm hai mũi vaccine thủy đậu cách nhau một tháng. Để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé, nên tiêm trước thai kỳ tốt nhất ba tháng.
Bạch hầu, ho gà, uốn ván
Theo bác sĩ Phương, kháng thể phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sẽ giảm dần theo thời gian, do đó người lớn cần tiêm nhắc định kỳ 10 năm một lần.
Mẹ bầu mắc bạch hầu thể hô hấp nguy cơ tử vong cao, thai lưu hoặc sinh non, đồng thời lây cho bé. Ho gà gây tử vong cao ở trẻ dưới một tuổi. Người sinh con và thai nhi có nguy cơ mắc uốn ván cao do các vết mổ đẻ, rạch tầng sinh môn, vết cắt rốn.
Ngoài bảo vệ chính mẹ bầu, vaccine còn truyền kháng thể bảo vệ con những tháng đầu đời. Hiện nước ta có hai loại vaccine phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, tiêm trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ.
Não mô cầu
Nhiều người mang vi khuẩn não mô cầu là nguồn lây trong cộng đồng, dù không có triệu chứng. Theo Cục Y tế dự phòng, tại vùng lưu hành dịch, khoảng 5-10% trường hợp chứa vi khuẩn này ở vùng hầu họng.
Vi khuẩn có thể gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, tử vong trong 24 giờ đầu tiên, để lại di chứng như cắt cụt chi, mù, điếc, thiểu năng trí tuệ.
Hiện Việt Nam lưu hành ba loại vaccine dành cho hai tháng tuổi đến 55 tuổi, phòng năm nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến gồm A, B, C, Y, W-135. Chị em nên hoàn thành các mũi tiêm trước khi có thai một tháng.
Phế cầu
Vi khuẩn phế cầu thường trú ở mũi, họng, gặp điều kiện thuận lợi (hệ miễn dịch suy yếu), chúng có thể tấn công, gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa, nguy cơ tử vong 10-20%.
Theo bác sĩ Trúc Phương, hệ miễn dịch thai phụ khá yếu, dễ bị viêm phổi do phế cầu, tăng nguy cơ sinh non, trẻ chào đời bị suy dinh dưỡng hoặc thai lưu.
Hiện nước ta lưu hành hai loại vaccine phòng 13 hoặc 23 chủng vi khuẩn phế cầu. Trước một tháng có kế hoạch mang thai, chị em nên tiêm một mũi Prevenar 13 và phế cầu 23 Pneumovax.
Viêm gan B
Virus viêm gan B ảnh hưởng lớn chức năng gan, có thể dẫn tới suy gan, xơ gan, ung thư gan và tử vong. Bệnh lây qua ba đường chính gồm: máu, từ mẹ sang con và tình dục.
Bác sĩ Trúc Phương chỉ ra khoảng 90% trường hợp mang thai nhiễm HBV cấp tính và 10-20% phụ nữ nhiễm HBV mạn tính sẽ truyền virus sang con.
"90% trẻ sơ sinh nhiễm virus cấp tính chuyển thành viêm gan mạn tính. Khi trưởng thành, họ có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư tế bào gan. Nam, nữ cần tiêm vaccine viêm gan B khi kháng thể giảm. Đặc biệt, phái nữ nên hoàn thành phác đồ viêm gan B trước mang thai một tháng", bác sĩ Trúc Phương lý giải.
HPV
HPV lây truyền phổ biến qua đường tình dục, tiếp xúc da kề da, quan hệ ngã âm đạo, hậu môn hoặc miệng... Virus này dẫn đến nhiều bệnh lý như sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, hầu họng, hậu môn, âm hộ, âm đạo.
Việt Nam hiện có hai loại vaccine ngừa 4 chủng và 9 chủng HPV, hiệu quả bảo vệ hơn 90%. Trong đó, vaccine Gardasil 9 phù hợp cả nam lẫn nữ 9-45 tuổi.
Lịch tiêm cho người lớn gồm ba mũi trong 6 tháng, do đó, các đôi cần chủ động xếp thời gian tiêm phòng trước khi cưới hoặc trước mang thai tốt nhất một tháng.