Nhịn ăn sáng tăng nguy cơ tiểu đường
Các nhà khoa học khẳng định, việc bỏ bữa sáng khi còn trẻ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong cuộc sống sau này.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy những người lúc trẻ không ăn sáng mỗi ngày sẽ tăng cao nguy cơ kháng insulin, đây là yếu tố cấu thành trong hầu hết trường hợp tiểu đường type 2 lúc trưởng thành.
Các nhà khoa học thuộc các trường Đại học Oxford, Cambridge, Glasgow và St George’s London đã theo dõi trên 4.000 học sinh cấp 1 trong độ tuổi 9-10, giám sát mức độ thường xuyên ăn sáng và khẩu phần ăn. Kết quả cho thấy trẻ em không ăn sáng có nhiều dấu hiệu về máu liên quan đến nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn là trẻ ăn sáng đầy đủ. Không ăn sáng cơ thể không thể đáp ứng đủ các hormone điều tiết quá trình chuyển hóa lượng đường trong máu.
"Nhiều kết quả theo dõi cho thấy trẻ thường xuyên ăn sáng với các thực phẩm giàu chất xơ và ngũ cốc sẽ chống lại được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", nghiên cứu tiết lộ.
Tiến sĩ Angela Donin, trưởng nhóm nghiên cứu trường St George, Đại học London cũng cho biết: "Ở Anh, hiện có khoảng ba triệu người được cho là mắc tiểu đường type 2, trong đó chủ yếu liên quan đến lối sống và béo phì. Bệnh xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không đáp ứng đủ hormone cần thiết để chuyển hóa đường trong máu dẫn đến các triệu chứng gây mệt mỏi. Bệnh tiểu đường còn có thể gây mù lòa, suy thận, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và đột quỵ".
Theo tiến sĩ Alasdair Rankin, giám đốc nghiên cứu của một tổ chức quỹ từ thiện, cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để tăng cường hiểu biết về tác hại của việc không ăn sáng và mối quan hệ của nó với sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2. Việc có một bữa sáng lành mạnh để cân bằng chế độ ăn uống mang lại lợi ích sức khỏe và tinh thần to lớn.
Lê Nguyễn (Theo Health News)