Nhiều thanh niên trở nặng khi mắc sốt xuất huyết
Trong lúc làm thêm, Khoa (19 tuổi) ngất xỉu được đưa vào cấp cứu và siêu âm có xuất huyết trong ổ bụng.
Khoa hiện là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại TP HCM. Hai ngày trước nhập viện, Khoa bị sốt cao kèm tiêu chảy, nôn ói, chán ăn. Nghĩ bị cảm sốt thông thường, Khoa tự mua thuốc Tây về uống và truyền nước tại nhà. Sau đó, Khoa vẫn đi làm thêm, cho đến lúc ngất xỉu, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại đây, Khoa có tình trạng mệt mỏi li bì, nôn nhiều, tiểu ít, xét nghiệm tiểu cầu giảm thấp 160. Kết quả siêu âm ổ bụng thấy xuất huyết. Cậu đã được truyền dịch và uống thuốc, tạm vượt qua giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết. Hiện Khoa được theo dõi, uống thuốc, xét nghiệm máu ba ngày một lần. Theo Khoa, khu dân cư nơi cậu đang sống và lớp học, chỗ làm thêm chưa có ai mắc bệnh. "Em cứ nghĩ chỉ sốt bình thường chứ chưa từng nghĩ mắc sốt xuất huyết nên chủ quan tự điều trị, nghĩ bệnh sẽ lướt qua", Khoa cho hay.
Chị Võ Thị Phượng Liên (huyện Hóc Môn, TP HCM) có con trai 17 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sáu ngày trước, con trai bị sốt cao 38 độ C kèm nổi ban khắp cơ thể, chị Liên cho con uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không thuyên giảm. Một ngày sau, con chị bị chảy máu cam và rơi vào tình trạng mê man kéo dài nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ chẩn đoán con trai chị Liên bị sốc sốt xuất huyết. Cậu được liên tục truyền dịch nhưng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể và chưa qua giai đoạn nguy hiểm. "Bình thường con tôi hay chơi bóng rổ, cháu cũng rất khỏe mạnh nên gia đình nghĩ chỉ bị cảm cúm, không ngờ lại nặng thế này", chị Liên cho biết.
Trong đầu tháng 11, mỗi ngày Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM tiếp nhận trung bình khoảng 5 ca mắc sốt xuất huyết mới. Khoa đang điều trị khoảng 60 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca mắc nặng và là người khỏe mạnh, chưa có tiền sử mắc sốt trước đó.
Thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), từ đầu năm đến ngày 3/11, toàn thành phố có 10.641 ca mắc sốt xuất huyết. Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây từ 516 ca ở tuần 41 lên 661 ca ở tuần 44.
Như vậy số ca ở tuần 44 (28/10 - 3/11) tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nhập viện trong tuần này cũng gia tăng 89 ca so với tuần trước, lên con số 414 ca, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi vằn cái mang virus, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh cho người khác.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sốt xuất huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai. Các đối tượng có nguy cơ cao trở nặng gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, suy thận... Tuy nhiên, ở người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, bệnh vẫn có thể diễn biến khó lường. CDC Mỹ ước tính tỷ lệ trở nặng chung của bệnh nhân sốt xuất huyết trên toàn thế giới là 5%, tức cứ 20 bệnh nhân sẽ một bệnh nhân tiến triển nặng, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Chính nhận định một số nguyên nhân có thể khiến người khỏe mạnh trở nặng khi mắc sốt xuất huyết là tâm lý chủ quan, tự uống thuốc hoặc truyền dịch tại nhà. Đôi khi bệnh bị chẩn đoán nhầm với tay chân miệng, sốt siêu vi khiến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
Mặt khác, sốt xuất huyết có diễn biến khó lường, các dấu hiệu cảnh báo tiến triển thành sốt xuất huyết nặng thường xảy ra vào giai đoạn muộn, sau khi bệnh nhân đã trải qua tình trạng sốt - hết sốt - sốt lại. Đó là nôn dai dẳng, đau bụng dữ dội, tích tụ dịch, chảy máu niêm mạc, lờ đờ, bồn chồn, hạ huyết áp tư thế, gan to và tăng dần hematocrit (tức cô đặc máu). Trong giai đoạn từ 24-48 giờ khi hết sốt, bệnh nhân có thể bị rò rỉ huyết tương và chuyển nặng chỉ trong vài giờ. Bệnh nhân bị rò rỉ huyết tương nghiêm trọng có thể bị tràn dịch màng phổi, cổ trướng (báng bụng), giảm protein máu hoặc cô đặc máu.
Theo bác sĩ Chính, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần với 4 type huyết thanh khác nhau, gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có vaccine phòng bệnh. Tháng 5/2024, Bộ Y tế chính thức phê duyệt vaccine sốt xuất huyết Qdenga, chống lại cả 4 type virus Dengue. Vaccine được chỉ định tiêm cho tất cả trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn, bất kể tình trạng đã mắc sốt xuất huyết trước đó. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 3 tháng, không yêu cầu xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết trước khi tiêm vaccine.
Qdenga là vaccine sống, giảm độc lực nên không chỉ định tiêm cho người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ đang mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tránh thai tốt nhất là ba tháng, và ít nhất một tháng sau khi hoàn tất liệu trình.
Bác sĩ Chính khuyến cáo, ngoài việc tiêm chủng vaccine đúng và đủ lịch, người dân cần phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết khác như vệ sinh môi trường, dọn dẹp những vật phế thải có chứa nước trong và xung quanh nhà, súc rửa lu vại, đậy kín dụng cụ chứa nước... để không cho muỗi đẻ trứng. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, thường xuyên giặt giũ chăn màn cũng là cách không cho muỗi trú ngụ... Mặc quần áo dài, ngủ màn ngay cả ban ngày, sử dụng kem chống muỗi... không cho muỗi đốt là cách để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.