Nhiễm khuẩn tụ cầu sau khi nhổ một sợi lông chân
Hà NộiCô gái 19 tuổi, nhổ một sợi lông mọc ngược ở trên ngón chân cái, sau đó vùng này mưng mủ, bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn tụ cầu.
Ngày 21/7, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ, chân tấy đỏ, đầu ngón chân cái mưng mủ, từ cổ chân đến bàn chân sưng nề.
Bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán nhiễm khuẩn tụ cầu. Đây là một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn thuộc họ Streptococcus gây ra, thường lây lan qua tiếp xúc với giọt bắn, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Ngoài ra, các vết thương hở cũng là nơi vi khuẩn này dễ xâm nhập.
Đây là một dạng nhiễm trùng cơ hội, hay gặp ở những người bị chấn thương, lở loét. Bác sĩ Thiệu nhận định bệnh nhân nhổ sợi lông đã gây tổn thương lớp bảo vệ tự nhiên của cơ thể, tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn tụ cầu vàng, gây viêm mô bào toàn bộ bàn chân trái.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khoảng 7-14 ngày tùy theo mức độ phục hồi.
Nhiễm khuẩn có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người cao tuổi, do hệ miễn dịch yếu, dễ bị nhiễm khuẩn. Người sống trong môi trường không hợp vệ sinh, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, cũng có nguy cơ.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh cần vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất trong 20 giây. Sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn nếu không có xà phòng và nước. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa vệ sinh tay.
Mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với động vật và môi trường hoang dã. Tiêm phòng đầy đủ, chủng ngừa theo lịch và kiểm tra sức khỏe đều đặn.