Nhật Bản tuyển điều dưỡng Đông Nam Á ứng phó già hóa dân số
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ tăng tuyển dụng nhân viên y tế, điều dưỡng từ Đông Nam Á nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Theo quyết định đưa ra hôm 17/12, các chương trình và chính sách liên quan dự kiến ra mắt năm 2025. Nếu muốn làm việc ở Nhật Bản, nhân viên y tế từ nước ngoài cần vượt qua kỳ thi trình độ chuyên môn. Bộ Y tế Nhật sẽ hỗ trợ một phần chi phí mà các cơ sở điều dưỡng phải trả khi tuyển dụng nhân viên nước ngoài và thành lập một chương trình đào tạo điều dưỡng tại Indonesia.
Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng cần có những nỗ lực mang tính chiến lược để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, trong bối cảnh già hóa nhanh chóng, nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc. Năm 2025, khoảng 20% dân số nước này ở độ tuổi từ 75 trở lên. Hiện Nhật Bản có khoảng 2,15 triệu nhân viên điều dưỡng, ước tính thiếu khoảng 250.000 nhân viên vào năm 2026 và khoảng 570.000 vào năm 2040.
Theo Cục Xuất nhập cảnh, 28.400 người nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản vào cuối năm 2023 để hành nghề điều dưỡng theo diện thị thực lao động có tay nghề. Con số này chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu của chính phủ. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt là "cuộc chiến săn nhân tài" trong ngành chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội khi dân số già đi, đặc biệt tại các quốc gia phát triển.
Ở Nhật Bản, Bộ Y tế trợ cấp chi phí đi lại cho các viện dưỡng lão và trường dạy nghề đào tạo nhân viên chăm sóc. Bộ cũng chi tiền tổ chức các buổi giới thiệu tại trường dạy tiếng Nhật ở Đông Nam Á, chẳng hạn Việt Nam và Myanmar. Học viên được giải thích về lợi ích khi hành nghề tại Nhật Bản và các điều khoản, đãi ngộ, hỗ trợ tài chính liên quan. Chính quyền trung ương và địa phương sẽ phân bổ tổng cộng 1 triệu yên (8.800 USD) cho các công ty đào tạo, tuyển dụng ngành y trong nước. Bộ dự kiến tối đa 100 doanh nghiệp tham gia vào chương trình trong năm 2025.
Khảo sát do Care Work Foundation thực hiện năm 2023 cho thấy 60% cơ sở chăm sóc và viện dưỡng lão báo cáo thiếu nhân viên. Chỉ 10% chấp nhận lao động nước ngoài.
"Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người hướng tới việc tuyển dụng nhân viên nước ngoài", người phát ngôn của Văn phòng Hoạch định Chính sách Tuyển dụng trong lĩnh vực phúc lợi của Bộ cho biết.
Indonesia là một trong những quốc gia có nguyện vọng đưa người lao động tay nghề cao trong ngành y tế ra nước ngoài. Đáp lại nhu cầu đó, giới chức Nhật Bản dự kiến thành lập một chương trình có tên Kaigo năm 2025 để đào tạo chuyên môn điều dưỡng. Bộ Y tế và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cử ba chuyên gia về lĩnh vực này đến giảng dạy, đào tạo giảng viên và những người trẻ đang học tại trường điều dưỡng công lập địa phương. Trước đó, Đức đã có những động thái tuyển dụng nhân viên y tế người Indonesia.
"Chính phủ nên hỗ trợ chi phí lấy bằng cấp và cố gắng tạo ra môi trường làm việc dễ dàng. Họ cũng nên cải thiện các điều kiện làm việc, tăng lương để khiến ngành này trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài", tiến sĩ Noriko Tsukada, chuyên gia lão khoa xã hội tại ĐH Nihon, nói.