Nhận biết và xử trí đột quỵ xuất huyết não thế nào?
Tôi 65 tuổi, tăng huyết áp, lo đột quỵ xuất huyết não. Dấu hiệu nào giúp nhận biết tình trạng này, cách xử lý ra sao? (Minh Châu, TP HCM)
Trả lời:
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu ở trong hoặc gần não bị vỡ, gây chảy máu ra não. Loại đột quỵ này chiếm khoảng 15-20% trường hợp đột quỵ. Khi đột quỵ xuất huyết xảy ra, máu tích tụ trong mô não, khiến các tế bào não ở khu vực đó yếu dần và chết. Đột quỵ xuất huyết não có nhiều dạng nhưng thường gặp nhất là vỡ mạch máu trên nền bệnh tăng huyết áp.
Dấu hiệu đột quỵ xuất huyết não cũng tương tự dấu hiệu đột quỵ nói chung. Triệu chứng dựa vào nguyên tắc FAST bao gồm:
F (face - mặt): Một bên mặt bị méo lệch hoặc xệ xuống.
A (arms - tay): Tê yếu tay chân, không thể giơ cùng lúc hai tay lên cao.
S (speak - lời nói): Nói khó, nói đớ, nói lắp bắp, khó hiểu.
T (time - thời gian): Người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Một số dấu hiệu khác như mờ một hoặc cả hai mắt, phạm vi nhìn hẹp, đau phía trên và phía sau mắt, sụp mặt, cổ cứng, chóng mặt, nôn mửa, tiểu không tự chủ, co giật.
Triệu chứng đột quỵ xuất huyết não thường xảy ra đột ngột, bất thường. Khi có một trong các dấu hiệu trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân, can thiệp kịp thời. Can thiệp sớm giúp hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng thần kinh sau này.
Thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ xuất huyết não là trong 6-8 giờ đầu hoặc càng sớm càng tốt. Khi đó, khối máu tụ chưa sản sinh quá mức độc tố gây hại tế bào não. Quá trình phân hủy các tế bào cũng chưa lâu, ít ảnh hưởng đến các vùng não lân cận gây biến chứng nghiêm trọng.
Khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, qua khám lâm sàng, nếu có biểu hiện đột quỵ, bác sĩ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm xác nhận thể loại đột quỵ. Tùy vào tình trạng, bệnh nhân có thể được dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch lấy cục máu đông hoặc phẫu thuật để loại bỏ máu tụ ra ngoài và bít tắc mạch máu bị vỡ.
Đột quỵ xuất huyết não thường gặp nhất ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, nhất là tăng huyết áp không điều trị thường xuyên. Các bệnh khác như mỡ máu cao, suy thận mạn... kết hợp có thể làm gia tăng khả năng đột quỵ.
Bác lớn tuổi, lại có tiền sử huyết áp nên khám tầm soát đột quỵ định kỳ và kiểm soát bệnh nền tốt để chủ động phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.