Nguyên nhân gây nuốt nghẹn
Nuốt nghẹn kèm theo đau cổ khi nuốt, khàn tiếng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh rối loạn cơ, rối loạn hệ thần kinh, thu hẹp cấu trúc thực quản.
Nghẹn ở cổ là tình trạng thức ăn, nước uống khó di chuyển từ miệng xuống dạ dày, nuốt chậm, gây cảm giác khó chịu. Người bệnh có thể ho hoặc nghẹt thở khi cố gắng ăn uống, kể cả nuốt nước bọt.
Triệu chứng thường xảy ra ở người già, do các cấu trúc cơ, thực quản suy yếu theo tuổi tác hoặc do một số bệnh lý khác.
ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết nuốt nghẹn hay đi kèm với các triệu chứng như chảy nước dãi, khàn tiếng, trào ngược, thường xuyên ợ nóng, ho hoặc nôn trớ khi nuốt. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
Rối loạn cơ: Tình trạng này có thể bắt nguồn từ các bệnh như co thắt tâm vị (rối loạn xảy ra khi các cơ ở vùng thực quản - tâm vị không giãn nở để đưa thức ăn vào dạ dày); co thắt thực quản (xảy ra khi cả cơ vòng thực quản trên và cơ vòng thực quản dưới đều co thắt quá mức). Ngoài ra, rối loạn cơ còn do viêm cơ, chứng loạn dưỡng cơ, nhược cơ, xơ cứng bì...
Tình trạng tắc nghẽn, thu hẹp cấu trúc thực quản: Đây có thể là biểu hiện của các bệnh như ung thư, khối u ở vùng đầu và cổ gây cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn.
Trong đó, ung thư thực quản là loại phổ biến nhất gây nghẹn cổ họng. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (xảy ra khi nhiều tế bào bạch cầu tích tụ trong thực quản, gây cứng khớp và khó nuốt), túi thừa thực quản (thức ăn tích tụ trong túi, gây cảm giác nghẹn ở cổ) cũng dẫn đến nghẹn cổ.
Các bệnh lý vòng thắt thực quản dưới (vòng đai Schatzki thực quản), trào ngược axit dạ dày thực quản (axit dạ dày trào ngược lên thực quản, hình thành mô sẹo, gây kích ứng và thu hẹp thực quản) cũng khiến khó nuốt thức ăn.
Rối loạn hệ thần kinh và não: Các tình trạng rối loạn liên quan đến não và hệ thần kinh như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), khối u não, bại não, bệnh đa xơ cứng (MS), Parkinson... cũng là nguyên nhân.
Ngoài ra, triệu chứng này còn xuất hiện ở một số tình trạng bệnh như viêm họng liên cầu khuẩn, đau và nghẹn ở cổ họng, sau các phẫu thuật liên quan đến vùng đầu và cổ, xạ trị ung thư thực quản, ung thư não...
Để chẩn đoán nguyên nhân gây nghẹn ở cổ, bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát và các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, sau đó chỉ định một số xét nghiệm như chụp X-quang thực quản, nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi thanh quản, đo áp lực thực quản...
Bác sĩ Hiếu Nhân cho biết tùy vào nguyên nhân gây nghẹn ở cổ, phương pháp điều trị cũng khác nhau. Người bệnh có thể phải thay đổi chế độ dinh dưỡng, điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật can thiệp để mở rộng thực quản, loại bỏ vật cản gây nuốt nghẹn.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên ăn chậm, nhai kỹ để làm giảm nguy cơ khó nuốt. Khi nhận thấy triệu chứng bất thường ở cổ họng, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm như chứng hít sặc (do thức ăn từ thực quản rơi vào đường thở).