Nguy cơ khi mang thai sau 35 tuổi
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ vô sinh, mang đa thai, sảy thai, sinh con dị tật cao hơn khi trẻ tuổi.
Khả năng sinh sản của phụ nữ suy giảm theo tuổi tác. Sau tuổi 35, lão hóa của cơ quan sinh sản gây ra một số rủi ro nhất định với cả người mẹ lẫn thai nhi.
Vô sinh: Phụ nữ ở độ tuổi này thường mất nhiều thời gian để thụ thai thành công. Cơ thể mỗi phụ nữ sinh ra với một số lượng trứng nhất định. Càng đến gần thời kỳ mãn kinh, số lượng trứng càng ít, trứng cũng kém chất lượng hơn. Do đó, thụ thai hay chuyển phôi khi thụ tinh ống nghiệm (IVF) gặp khó khăn.
Sảy thai: Khi chất lượng trứng giảm, nguy cơ sảy thai cao hơn. Tình trạng này còn do các bệnh lý dễ mắc phải khi lớn tuổi như huyết áp cao, tiểu đường. Thai lưu cũng có khả năng xảy ra. Vì vậy, thai phụ sau 35 tuổi cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm vấn đề.
Bất thường nhiễm sắc thể: Phụ nữ lớn tuổi có thể gặp nhiều vấn đề về nhiễm sắc thể hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, người mẹ từ 35 tuổi trở lên có nhiều khả năng sinh con mắc hội chứng Down hơn người trẻ tuổi.
Tuổi của người cha cũng có tác động. Một nghiên cứu tại Mỹ trên hơn 3.400 người phát hiện ra rằng những người cha trên 40 tuổi có nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down cao gấp đôi người dưới độ tuổi này.
Mang đa thai: Mang nhiều thai đi kèm với nhiều rủi ro. Lý do dẫn đến nguy cơ này trên 35 tuổi là do thay đổi về nội tiết tố khiến phụ nữ có thể rụng nhiều hơn một trứng mỗi chu kỳ. Phụ nữ lớn tuổi cũng có thể mang đa thai do sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.
Tiểu đường thai kỳ: Bệnh tiểu đường phát triển trong thời kỳ mang thai có thể khiến thai nhi phát triển lớn khi vẫn còn trong tử cung, dẫn đến tổn thương khi sinh. Bệnh còn có thể dẫn đến huyết áp cao đối với mẹ và sinh non hoặc các biến chứng khác đối với trẻ.
Huyết áp cao: Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật khi mang thai nhiều khả năng xảy ra hơn ở độ tuổi trên 40. Tiền sản giật là biến chứng thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao, dễ gây tổn thương các cơ quan, thường là gan và thận.
Trẻ sơ sinh nhẹ cân: Các biến chứng khác nhau ở mẹ có thể khiến bé sinh non và nhẹ cân khi sinh, tiếp tục dẫn tới các biến chứng hậu sinh.
Sinh mổ: Do các biến chứng thai kỳ khi lớn tuổi, nguy cơ phải sinh mổ cũng cao hơn so với sinh thường. Theo CDC Mỹ, tỷ lệ sinh mổ tăng từ 26% ở phụ nữ 20 tuổi lên 40% ở độ tuổi 35 và 48% ở độ tuổi 40.
Phụ nữ trên 35 tuổi và cố gắng thụ thai trong 6 tháng không thành công nên đi khám để được kiểm tra sức khỏe sinh sản toàn diện, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị sớm. Phần lớn phụ nữ trên 45 tuổi không thể thụ thai nếu không có sự trợ giúp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Để tránh nguy cơ vô sinh do dự trữ buồng trứng cạn kiệt, phụ nữ có dự định sinh con sau tuổi 35 có thể trữ đông trứng hoặc phôi sớm. Khi có mong muốn sinh con, trứng hoặc phôi được rã đông và thực hiện các bước theo quy trình thụ tinh ống nghiệm để giúp họ mang thai.