Người Việt thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân, song số nơi điều trị còn quá ít.
Ngày 1/8, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết như trên, thêm rằng "thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới". Tính theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.
Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
May mắn, đột quỵ có thể phòng ngừa được. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang ít nhất một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ. Một người béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, đôi khi kèm tiểu đường, nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.
"Phòng ngừa đột quỵ là lâu dài và suốt đời nhưng ở Việt Nam, việc tuân thủ điều trị rất hạn chế, đáng báo động", bác sĩ chia sẻ. Những thủ phạm chính gây đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường có biểu hiện bệnh rất mơ hồ, đa số bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh nên lơ là điều trị, rất ít người uống thuốc lâu dài theo chỉ định bác sĩ.
Theo bác sĩ Thắng, số nơi điều trị đột quỵ tại Việt Nam rất ít. Kể từ đơn vị điều trị đầu tiên chuyên về đột quỵ thành lập tại Bệnh viện Nhân dân 115 năm 2005, đến nay cả nước có 110 cơ sở, phần lớn tập trung tại những thành phố lớn như TP HCM hoặc Hà Nội. Khá nhiều tỉnh thành đến nay chưa có cơ sở điều trị. Điều này khiến nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.
Tính trung bình, một đơn vị đột quỵ tại Việt Nam điều trị trên 2.000 bệnh nhân mỗi năm, trong khi tại Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Điều kiện lý tưởng là khoảng 500 bệnh nhân trên một đơn vị đột quỵ. Điều này có nghĩa, Việt Nam cần 400 đơn vị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới, ít nhất 200 cơ sở để quản lý 1.000 bệnh nhân mỗi năm.
Lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng thành lập các đơn vị đột quỵ với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lợi ích cho cộng đồng lớn nhất. Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt trong những cửa sổ "thời gian vàng", số cơ sở điều trị đột quỵ cần mở rộng theo khoảng cách địa lý, bệnh nhân có thể đến viện trong 60 phút sau khi khởi phát triệu chứng.
Thời gian luôn là yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ cấp. Tại Việt Nam, đa số bệnh nhân nhập viện muộn, quy trình tiếp nhận ở bệnh viện còn tốn thời gian. Nhiều người dân chưa nhận biết sớm triệu chứng để đưa bệnh nhân vào viện kịp thời. Xe cấp cứu cũng chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...