Người đặt stent mạch vành đi máy bay được không?
Tôi đặt một stent mạch vành vào năm ngoái, hiện sức khỏe ổn định, định đi du lịch vào dịp Tết. Người đặt stent bằng kim loại qua cổng an ninh máy bay có an toàn không? (Anh Trí, 63 tuổi, Ninh Bình)
Trả lời:
Stent được sử dụng trong thủ thuật nong động mạch vành nhằm đẩy lùi các mảng bám tích tụ trong động mạch. Stent thường làm từ kim loại không từ tính như thép không gỉ, hợp kim coban - crom, tính bền, bị ăn mòn, phù hợp môi trường bên trong cơ thể.
Hợp kim này không từ tính nên không bị ảnh hưởng bởi từ trường hoặc phát ra tín hiệu từ tính mạnh. Do đó, người từng đặt stent đi qua cổng dò kim loại ở cửa hải quan sẽ không kích hoạt các thiết bị này. Bên cạnh đó, kích thước stent nhỏ, đường kính khoảng 2-5 mm và mỏng nhẹ nên không đủ gây tín hiệu mạnh khi qua cửa an ninh ở sân bay hay tại cửa khẩu. Trong một số trường hợp ít gặp, người bệnh đặt stent đời cũ hoặc được làm từ vật liệu kim loại khác có thể tạo tín hiệu kim loại nhẹ. Bạn nên mang theo các loại giấy tờ, chứng nhận y tế hoặc thông tin về ca phẫu thuật đặt stent từ bác sĩ để nhân viên an ninh kiểm tra trong trường hợp cần thiết.
Khi máy bay càng lên cao, áp suất khí quyển càng giảm, hành khách giảm lượng oxy hít vào dẫn đến nồng độ oxy trong cơ thể thấp hơn mức tối ưu. Áp suất giảm cũng khiến cơ thể mất nước, nếu không bù nước kịp thời sẽ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, hành khách thường chỉ ngồi yên tại vị trí của mình nên làm giảm lưu thông máu. Người cao tuổi, mắc bệnh nền tim mạch có thể khiến tình trạng xơ vữa mạch máu có sẵn thêm trầm trọng, nguy cơ hình thành cục máu đông, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Người mắc bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh động mạch phổi, người mới trải qua phẫu thuật tim và người gắn thiết bị cấy ghép tim (van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim, stent động mạch vành...) dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe khi đi máy bay. Nếu mới đặt stent, người bệnh nên hạn chế di chuyển xa, tránh vận động quá sức trong 1-2 tuần đầu tiên. Sau khi sức khỏe đã ổn định, người bệnh có thể di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên người có tiền sử bệnh tim mạch như bệnh mạch vành cần khám sức khỏe trước chuyến bay kéo dài từ 4 giờ trở lên.
Sau khi đủ điều kiện bay, để đảm bảo hành trình an toàn, bạn nên chọn ghế ngồi bên ngoài để dễ dàng đứng lên và đi lại khi cần. Uống đủ nước và có thể thực hiện bài tập vận động chân tại chỗ giúp tăng cường lưu thông máu. Tuân thủ nghiêm ngặt uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bạn nên chuẩn bị thuốc mang theo đủ dùng cho cả hành trình, để thuốc trong hành lý xách tay để có thể uống đúng giờ trước khi lên máy bay.
Trong quá trình bay, nếu bạn cảm thấy sức khỏe không ổn, bồn chồn, khó thở, thở gấp, đau thắt ngực, đánh trống ngực, tim đập nhanh... cần thông báo ngay cho người đồng hành hoặc tiếp viên hàng không để được chăm sóc y tế kịp thời.