Ngộ độc khí CO trong hỏa hoạn nguy hiểm thế nào
Khí CO sản sinh từ những vụ hỏa hoạn có thể khiến nạn nhân ngất, dần hôn mê, ngưng thở, nhanh chóng tử vong
Khuya 12/9, lửa xuất phát từ khu để xe máy tầng một, sau đó lan lên 10 tầng chung cư mini trong ngõ 29, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Hà Nội. Hầu hết nạn nhân được đưa vào các bệnh viện bị ngạt khói, ngộ độc khí CO, đa chấn thương.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy, nguyên Phó Đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, cho biết CO là một loại khí độc nhưng không màu, không mùi, không vị. Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Đây là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.
Khí độc này thường gây các triệu chứng thần kinh. Ở mức độ nhẹ, việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Mức độ cao hơn nữa là tình trạng khó tập trung, hoa mắt, lờ mờ, lú lẫn. Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.
Ngoài ra, khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, gan... Những tác động vào thần kinh và máu có thể khiến nạn nhân ngất đi rồi nhanh chóng, sau đó tử vong mà không hay biết, y học gọi là cái chết "êm dịu", "không báo trước".
Đáng chú ý, khí CO từ các đám cháy không chỉ gây nguy hiểm cho các nạn nhân trực tiếp mà còn phát tán ra không khí, từ đó ảnh hưởng người xung quanh. Ngoài ra, một số đám cháy còn sinh ra khí HCN, photgen... rất độc với con người.
Để chống độc, bác sĩ Vy khuyến cáo người gặp nạn khi đang ở trong đám cháy cần sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.
Muốn thoát ra khỏi đám cháy, bên cạnh việc che mũi, miệng, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da. Khi lượng khói phát sinh nhiều, phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra ngoài.
"Cố gắng giữ bình tĩnh nhanh chóng gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được cứu nạn kịp thời", bác sĩ Vy nói.