Nên tắm nước nóng hay lạnh sau khi tập luyện?
Bác sĩ khuyến cáo tắm nước nóng hay lạnh sau tập luyện tùy vào tình trạng chấn thương, sức khỏe, nhu cầu và sở thích mỗi người.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, tắm sau khi tập luyện có lợi cho sức khỏe nói chung vì giúp làm sạch da, ngăn ngừa sự tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn có thể phát sinh nếu mồ hôi còn đọng lại.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy việc tắm nước nóng hoặc nước lạnh sau khi tập luyện có thể thúc đẩy quá trình phục hồi. Vì vậy, câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích mỗi người.
Để giúp bạn lựa chọn, sau đây là những lợi ích của tắm nước nóng và nước lạnh mà bác sĩ Hương chỉ ra, có thể tham khảo.
Lợi ích khi tắm nước nóng
Làm giãn mạch máu và tăng lưu lượng máu tuần hoàn
Tăng tuần hoàn máu sẽ đưa máu giàu chất dinh dưỡng và oxy đến cơ bắp, từ đó được chứng minh là làm giảm căng cơ, đau nhức sau khi tập luyện và đau lưng.
Giúp thư giãn
Đối với nhiều người, tắm nước nóng là cách tốt để thư giãn về thể chất và tinh thần, có thể làm dịu cơ bắp và giúp thư giãn sau một ngày dài.
Lợi ích khi tắm nước lạnh
Giảm viêm, sưng
Tắm nước lạnh gây co mạch. Tuy nhiên, khi các mạch máu co lại, tạo ra một chất tẩy rửa axit lactic tích tụ trong các mô cơ mệt mỏi.
Các mạch máu co lại cũng làm giảm tình trạng viêm đi kèm với nhiệt, mang lại một số tác dụng giảm đau liên quan đến tình trạng viêm và giảm sưng.
Giúp cơ thể hạ nhiệt
Trong quá trình tập luyện, cơ thể bạn sản sinh nhiệt, làm nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên. Để ngăn quá nóng, cơ thể sẽ đổ mồ hôi để loại bỏ nhiệt lượng dư thừa. Tắm nước lạnh làm giảm nhiệt độ cơ thể và hỗ trợ duy trì cân bằng nội môi bằng cách đưa cơ thể trở lại nhiệt độ bình thường.
Làm giảm đau nhức cơ khởi phát muộn sau khi luyện tập cường độ cao
Một số nghiên cứu cho thấy nước lạnh có thể thúc đẩy quá trình phục hồi.
Giả thuyết cho rằng liệu pháp lạnh tạm thời làm giảm lưu lượng máu, nhưng lưu thông máu tăng trở lại sau khi tiếp xúc, do đó giúp đưa máu giàu oxy đến cơ. Vì vậy, chuyên gia khuyên dùng các kỹ thuật liệu pháp lạnh để phục hồi sau khi tập luyện.
Một nghiên cứu của Petrovsky (2015) đã chỉ ra rằng các vết rách cơ nhỏ do tập thể dục được điều trị tốt hơn bằng cách tắm nước lạnh thay vì nước nóng.
Nhiệt độ nước khuyến nghị theo các thời điểm tắm
Dựa vào những hiệu quả của việc tắm nước nóng và nước lạnh kể trên, bác sĩ Hương cho biết theo một đánh giá lâm sàng, tắm nước ấm vào buổi tối có thể giúp dễ ngủ hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, tắm nước nóng có thể là cách tốt nhất sau khi tập luyện buổi tối.
Ngược lại, tắm nước lạnh giúp tỉnh táo hơn nên đây là cách nên thực hiện sau khi tập luyện buổi sáng.
Khi bị thương, viêm kéo dài hoặc sưng tấy, tắm nước nóng gây giãn mạch nên sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng này nên tắm nước lạnh sẽ là lựa chọn tốt hơn trong trường hợp này.
Các thói quen tắm sai thời điểm hoặc nhiệt độ nước không phù hợp
Theo bác sĩ Hương, những người độ tuổi trẻ, tắm đêm dễ dẫn đến co mạch máu, đặc biệt khi tắm nước quá lạnh làm máu khó lưu thông, dẫn đến đau nhức toàn thân.
Những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, sau khi tập luyện thể thao, nhịp tim tăng, tắm nước quá lạnh hoặc tắm nước nóng về khuya (chênh lệch nhiệt độ nước tắm với môi trường lớn) cũng có thể gây co mạch đột ngột, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, đau thắt ngực hoặc đột quỵ.
Ngoài ra, tắm nước quá nóng (> 40 độ C) hoặc tắm nước nóng trong thời gian trên 30 phút có thể gây:
- Kích ứng da: Nước quá nóng có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, dẫn đến khô và kích ứng.
- Mất nước: Tiếp xúc lâu với nước nóng có thể dẫn đến mất nước, đặc biệt nếu bạn không uống đủ nước.
- Tăng nhiệt cơ thể: Tắm nước quá nóng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, dẫn đến chóng mặt hoặc ngất xỉu, đặc biệt ở những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định (ví dụ bệnh tim, mang thai).
- Thay đổi huyết áp: Nước nóng có thể làm giãn mạch máu, dẫn đến giảm huyết áp khi đứng dậy, làm tăng nguy cơ té ngã.