Nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ đông khi thụ tinh ống nghiệm?
Tôi hiếm muộn 5 năm, đang tìm hiểu để điều trị thụ tinh ống nghiệm. Chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đông khác nhau thế nào, tỷ lệ thành công của phương pháp nào cao hơn? (Minh Anh, Bình Dương)
Trả lời:
Quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF) gồm nhiều bước: kích thích buồng trứng, chọc hút noãn (trứng), thu mẫu tinh trùng, thụ tinh trong môi trường phòng thí nghiệm, nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi ngày 3 hoặc ngày 5. Chuyển phôi vào lòng tử cung người phụ nữ là bước cuối cùng. Hiện, có hai cách thức chuyển phôi gồm chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đông. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ chỉ định chuyển phôi phù hợp để tối ưu khả năng thành công.
Chuyển phôi tươi là chuyển phôi sau khi được nuôi cấy thành công ở giai đoạn ngày 3 hoặc ngày 5 vào lòng tử cung của người phụ nữ. Lợi ích của phương pháp này là tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp bạn có thể mang thai trong thời gian ngắn hơn vì phôi được chuyển vào tử cung sớm. Tuy nhiên, chuyển phôi tươi chỉ áp dụng đối với người bệnh sức khỏe ổn định.
Trường hợp bạn mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) do tác dụng phụ của thuốc kích trứng, gặp vấn đề sau thủ thuật chọc hút noãn... thì không nên chuyển phôi tươi. Bác sĩ tư vấn cách thức trữ đông phôi, chờ thời điểm thích hợp khi cơ thể bạn ổn định mới rã đông và chuyển vào lòng tử cung để đảm bảo đậu thai.
Trữ đông phôi thường được chỉ định cho phụ nữ có bất thường trong lòng tử cung, tử cung chưa đủ điều kiện thuận lợi để nhận phôi, như polyp tử cung, viêm mạn tính hoặc có sang thương bên trong, ứ dịch vòi trứng, nội mạc tử cung mỏng... Phụ nữ mắc các bệnh nền, bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp, ung thư tuyến giáp), ung thư vú hoặc cổ tử cung... cũng được khuyên trữ đông phôi để điều trị ổn định các bệnh lý trước khi chuyển phôi. Trường hợp khác là vợ chồng điều trị IVF đã thành công mang thai, còn phôi dư và mong muốn sinh thêm con trong tương lai.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), hai phương pháp trữ đông đang được ứng dụng gồm đông lạnh chậm và thủy tinh hóa. Bất kể phương pháp nào, phôi trữ đông sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động sinh học, thời gian bảo quản có thể một vài tháng đến hàng chục năm tùy thuộc tình trạng sức khỏe và nhu cầu của người bệnh.
Khi cần chuyển phôi, phôi được rã đông từ từ và ngâm trong chất lỏng để loại bỏ chất bảo vệ lạnh và khôi phục nước trong tế bào. Tỷ lệ thành công của cách thức chuyển phôi trữ đông so với chuyển phôi tươi tại IVF Tâm Anh TP HCM là tương đương, không có sự khác biệt. Do đó, vợ chồng bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất giúp đảm bảo tỷ lệ thành công.