Mối nguy từ 'thần dược' giúp tăng chiều cao cấp tốc
TP HCMNửa năm dùng thuốc tăng cao, con gái 3 tuổi của chị Hoa tăng thêm 2 kg, chiều cao không đổi, đi khám phát hiện men gan tăng, rối loạn chất.
Ban đầu, bé nặng hơn 11 kg nhưng chỉ cao 90 cm, thấp báo động so với trẻ 3 tuổi (cân nặng chuẩn là 13,9 kg và cao 95,1 cm). Người mẹ căng thẳng vì thường xuyên phải nghe những lời "con gái giống mẹ nên lùn", "bố mẹ ăn hết phần con". Sốt ruột, chị vào các hội nhóm trên mạng tìm hiểu, quyết định mua sản phẩm bổ sung hormone tăng trưởng "thần tốc", xách tay từ nước ngoài.
Người bán giới thiệu liệu trình dùng mỗi ngày ba viên, uống buổi tối, hộp 270 viên, giá gần 700.000 đồng. Thuốc được quảng cáo "bổ sung các hoạt chất kích thích hormone tăng trưởng tự nhiên, giúp xương dài thêm 3-9 cm trong một năm".
Sau nửa năm uống thuốc, bé vẫn lùn, thêm chứng lười ăn, hay cáu gắt, mệt mỏi. Chị Hoa đưa con đi khám để tìm nguyên nhân. Tại phòng khám nhi, Ths.Bs Đào Nguyễn Phương Linh, giám đốc chuyên môn, chỉ định làm các xét nghiệm liên quan bệnh lý tuyến giáp và thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH). Kết quả men gan của trẻ tăng do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và thiếu hụt hormone tăng trưởng, chuyển chuyên khoa nội tiết điều trị.
"Việc tự bổ sung các thực phẩm tăng chiều cao vừa không có cơ sở khoa học, rất tốn kém, có thể rủi ro về sức khỏe, dễ bỏ qua khoảng thời gian vàng điều trị tăng cao nếu trẻ có bệnh lý", bác sĩ Linh nói, thêm rằng trường hợp chị Hoa là điển hình cho việc tự bổ sung thuốc, dẫn đến "tiền mất tật mang".
Tương tự, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến bác sĩ nội tiết khi đã sắp dậy thì, sau một thời gian tự bổ sung các thực phẩm tăng chiều cao không có kết quả. Đơn cử, bé gái 12 tuổi, chỉ cao 1,3 m do thiếu hormone tăng trưởng, bố mẹ không biết nên cho uống nhiều loại viên tăng chiều cao.
Kết quả, trẻ không cao thêm, đồng thời bỏ lỡ thời gian vàng để chữa bệnh thiếu hụt GH. Đây là bệnh khiến người mắc bị chậm tăng chiều cao, tầm vóc nhỏ bé, phát triển cơ bắp kém, tích mỡ thừa... Với bệnh lý này, trẻ cần phải điều trị bởi bác sĩ nội tiết, bằng thuốc dạng tiêm, trước tuổi dậy thì.
Như trường hợp bé gái trên, khi phát hiện ra bệnh, bác sĩ cho tiêm hormone bổ sung GH nhưng không hiệu quả, bé chỉ dừng lại ở chiều cao 1,45 cm.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không một "thần dược" nào có thể làm tăng chiều cao cấp tốc. Các sản phẩm tăng trưởng chiều cao được quảng cáo thường chứa nhiều canxi, vitamin D, sắt, kẽm, vitamin K2, đạm, protein... chỉ giúp bổ sung thiếu hụt trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc quảng cáo cải thiện chiều cao (nếu không có chỉ định) sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Đơn cử, lạm dụng thực phẩm chức năng chứa Chondroitin sulfat nguy cơ tác động tiêu cực đến quá trình tăng trưởng bình thường của xương. Các thuốc tăng chiều cao chứa vitamin nồng độ cao, gây tăng áp lực sọ não, khô da, rụng tóc, chán ăn hoặc thậm chí ngừng tăng trưởng chiều cao. Các thuốc có chứa vitamin D còn chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp tăng canxi máu, sỏi thận canxi, tăng canxi niệu, không nên tự ý dùng.
Một số thuốc chứa thành phần gây kích thích sản xuất hormone tăng trưởng có thể gây rối loạn sinh trưởng, sinh dục, tâm sinh lý, dẫn đến dậy thì sớm. Việc dậy thì sớm có thể khiến quá trình dậy thì kết thúc sớm làm ngưng quá trình phát triển xương sớm, trẻ không đạt được chiều cao tối ưu.
Sản phẩm GH không được kiểm soát hoặc không hợp pháp có thể chứa các tạp chất nguy hiểm.. Về lâu dài, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, phì đại các cơ quan nội tạng, thậm chí ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ đang trong giai đoạn phát triển, các yếu tố hỗ trợ ở mức tốt (dinh dưỡng, tập luyện, môi trường sống), không bị chậm phát triển so với trẻ cùng lứa thì không cần thiết sử dụng các sản phẩm tăng chiều cao. Một số trẻ nên dùng là nhóm có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến việc sản xuất GH. Với nhóm này, bác sĩ có thể đề nghị một loại thực phẩm bổ sung có chứa hormone GH tổng hợp.
BS.CK1 Bùi Thị Yến Nhi, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, khuyên để giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, phụ huynh nên tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng. Cắt giảm lượng đường, đồ ăn "fastfood", tăng cường rau xanh, đạm, sữa, ngũ cốc và các thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Ngủ đủ theo thời gian khuyến nghị, tập thể dục thường xuyên và đều đặn, rèn tư thế hoặc cải thiện tư thế xấu (khom lưng, gù lưng, cổ rùa...). Không tạo căng thẳng mãn tính kéo dài lên trẻ, điều trị các bệnh lý mãn tính về đường tiêu hóa, tim, thận, phổi (nếu có)...
Cần chú ý chế độ ăn cân bằng các nhóm chất để đảm bảo về mặt năng lượng, dưỡng chất theo nhu cầu. Một khi nhu cầu của trẻ không được đáp ứng tốt thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, kéo theo sức khỏe và thể lực về sau cũng không thể được thiết lập vững chắc. Xây dựng thói quen ăn uống hợp lý, khi ăn cần dạy cho trẻ nhai kỹ và nghỉ ngơi sau ăn ít nhất 10 phút để việc hấp thu tốt hơn.
Yếu tố vận động chiếm 25%, trẻ được tập thể lực thường xuyên, ít nhất mỗi ngày 30-40 phút mới giúp kích thích phát triển chiều cao. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chưa vận động nhiều, phụ huynh nên chủ động massage cho con, tập các bài vận động nhẹ nhàng, thúc đẩy phát triển vận động theo độ tuổi. Với trẻ lớn, duy trì các bài tập kéo giãn 15 phút mỗi ngày có thể kích thích đĩa tăng trưởng (sụn tăng trưởng dài ra trước khi cốt hóa), khuyến khích yoga ở trẻ.
Trẻ ngủ đủ, đúng giờ cũng kích thích hormone tăng trưởng sản xuất hợp lý. Nên ngủ từ khoảng 21h-21h30 bởi việc ngủ ngon và đạt được giấc ngủ sâu từ 23h đến 3h giúp kích thích cho hormon tăng trưởng tiết ra, từ đó phát triển chiều cao tối ưu.
Khi trẻ có chiều cao thấp hơn 10 cm so với tiêu chuẩn (của WHO/CDC) hoặc phát triển chiều cao dưới 4 cm một năm, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế tìm nguyên nhân. Trẻ thiếu về chiều cao sẽ được đánh giá về vi chất (xét nghiệm máu), khẩu phần (chế độ ăn) và bổ sung các vi khoáng liên quan tăng trưởng.
Nếu xác định nguyên nhân do thiếu hụt GH, bác sĩ chỉ định điều trị giúp trẻ đạt được chiều cao và tầm vóc gần với mức bình thường của lứa tuổi. Hiện, loại thuốc GH được chứng minh có cải thiện chiều cao dùng trong y khoa là thuốc tiêm hằng ngày vào buổi tối, không có thuốc dạng viên.
Phụ huynh tuyệt đối không tự ý bổ sung hormone tăng trưởng. "Nếu trẻ phối hợp nhiều vấn đề bệnh lý liên quan, ví dụ suy dinh dưỡng thấp còi thì việc chỉ bổ sung yếu tố GH không có ý nghĩa", bác sĩ Linh nói.