Mệt mỏi vì thời tiết nóng lạnh thất thường
Một tuần nay, cứ về chiều, chị Minh Phương (34 tuổi, Hà Nội) cảm thấy mệt mỏi, khó thở, không thể tập trung làm việc do thời tiết thay đổi.
Vào buổi sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời chỉ 11-13 độ C, chị mặc thêm một lớp áo dày để cản gió lạnh khi đi làm. Tới trưa, trời chuyển nắng, nhiệt độ tăng đến 22-23 độ C, cũng là lúc chị Phương bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, nôn nao.
Cho rằng bản thân mệt mỏi do liên tục thức khuya để "chạy deadline", chị Phương tìm một phòng họp trống, chợp mắt chừng 30 phút, cởi bớt áo và bật thêm quạt để thông khí. Tuy nhiên sau giấc ngủ ngắn, cơ thể vẫn mệt mỏi, choáng váng, cổ họng khô rát.
Cơ thể mệt mỏi làm giảm hiệu quả công việc khiến chị Phương không thể tập trung. Chị thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, khi cơ thể đã hồi phục, để tránh ảnh hưởng KPI hàng tháng.
Còn gia đình chị Hoàng Thủy (38 tuổi, ở quận Tân Bình) hai tuần nay luôn lo lắng không yên do có con nhỏ ốm, ho kéo dài. Chị đã xin nghỉ một ngày để đưa con đi khám ở phòng mạch và uống thuốc nhưng tình trạng chưa cải thiện.
Chị Thủy là kế toán của một công ty, cuối năm cần hoàn thiện nhiều báo cáo và các khâu liên quan nên không thể xin nghỉ phép nhiều. Gia đình nhờ bà ngoại sang chăm bé để yên tâm công tác, song vẫn lo lắng do bệnh của con mãi không khỏi.
Trước đó, chị Thủy cũng ốm, dùng đủ mọi cách như kết hợp xông sả, chanh và giã lá tần dày hấp cách thủy với mật ong để uống, kiêng ăn trứng, thịt gà và các loại hải sản... Các cơn ho dịu lại, chưa dứt hẳn, kéo dài đã hai tuần.
"Ngồi làm việc chốc chốc lại ho tràng dài nên tôi rất mệt mỏi, đầu óc cũng chậm chạp hơn", chị Thủy nói.
Theo BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời tiết lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dẫn tới suy giảm sức đề kháng. Cùng lúc đó, các loại virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp trong môi trường hoặc thường trú ở vùng hầu họng tấn công cơ thể gây ốm, mệt mỏi.
Mầm bệnh phổ biến gồm cúm, phế cầu, sởi, virus hợp bào hô hấp RSV, adenovirus... Trong đó, cúm gây sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Môi trường đông người như trường học, nhà máy, văn phòng khép kín, sử dụng máy lạnh có khả năng lây cúm cao hơn. Vi khuẩn phế cầu khuẩn thường trú ở vùng mũi, họng của người, tấn công gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa.
Cúm thường tự khỏi trong 2-7 ngày, tuy nhiên ở một số trường hợp thời gian bệnh có thể kéo dài hơn và diễn tiến viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não. Đối tượng nguy cơ cao trở nặng hơn là trẻ em, thai phụ, người lớn tuổi, người có bệnh nền về phổi, hen suyễn, viêm phế quản, viêm xoang, tim mạch, bệnh có thể biến chứng.
Để khắc phục tình trạng mệt mỏi khi thời tiết thay đổi, bác sĩ Cầm khuyến cáo người dân tăng vận động để tăng tuần hoàn máu của cơ thể. Việc này có ích đối với người làm việc văn phòng, thường xuyên làm việc quá lâu. Người dân chọn môn thể thao tùy theo độ tuổi, sức lực và sở thích, ví dụ bơi lội, chạy bộ, đi bộ...
Nếu phải lao động nặng, mọi người nên thư giãn cơ bắp bằng cách xoa bóp. Việc này cũng giúp cơ thể không bị căng cứng, giảm mệt mỏi khi thời tiết thay đổi.
Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi do thời tiết. Bữa ăn nên đảm bảo cân bằng và đa dạng hóa các loại vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng cần thiết khác...
Người dân nên kết hợp tiêm chủng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, giữ sức khỏe trong mùa cuối năm. Trong đó, vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh đến 90%, giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%. Ngoài tiêm cúm, mọi người cần tiêm mũi ngừa phế cầu để tránh bội nhiễm khi mắc cúm.
Hiện Việt Nam đã có vaccine cúm phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn. Người lớn chỉ cần tiêm một liều cơ bản và nhắc lại hằng năm để cập nhật vaccine phòng cúm với chủng đang lưu hành cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Với phế cầu khuẩn, người lớn cần tiêm trước một mũi phế cầu 13, sau đó tiêm tiếp loại phế cầu 23 để phòng ngừa đầy đủ các chủng vi khuẩn phế cầu, sau đó nhắc lại phế cầu 23 theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, toàn quốc đang ghi nhận số ca sởi tăng lên. Tiêm vaccine phòng sởi cần thiết cho cả trẻ em và người lớn. Hiện Việt Nam có vaccine phòng sởi loại đơn và loại phối hợp gồm sởi - rubella và sởi - quai bị - rubella, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Đối với người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó cần tiêm đủ ít nhất hai mũi, phác đồ cách nhau một tháng. Với phụ nữ có kế hoạch mang thai cần hoàn thành phác đồ tiêm chủng trước khi mang thai ba tháng.
Mọi người cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch với xà phòng thường xuyên, nên mang khẩu trang khi đến nơi đông người để phòng tránh lây nhiễm bệnh. Khi có dấu hiệu sốt cao, bứt rứt, khó chịu hoặc lừ đừ, ngủ lịm, co giật, bất tỉnh, thở nhanh, tím tái... cần đến cơ sở y tế sớm, đặc biệt là nhóm cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.