Mẹo giảm đau họng mùa lạnh
Để làm dịu cơn đau họng, bạn có thể uống nước ấm pha hỗn hợp chanh, mật ong hoặc gừng, vỏ quế.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo nhiệt độ thấp làm tăng khả năng mắc bệnh. Lúc này, cơ chế bảo vệ của cơ thể hoạt động không hiệu quả khiến virus dễ xâm nhập vào khoang mũi và đường hô hấp trên, gây cảm lạnh, cúm và Covid-19. Niêm mạc cổ họng cũng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn... tấn công. Triệu chứng phổ biến là đau, vướng họng khi nuốt; sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi do bị kích ứng ở đường hô hấp trên. Thời tiết lạnh khiến virus và vi khuẩn sinh sôi và sống lâu hơn trong môi trường.
Ngoài ra, khi hệ miễn dịch suy giảm, người mắc các bệnh hô hấp dễ lan xuống thành viêm phổi, suy hô hấp, nhất là người già, trẻ em suy dinh dưỡng, người có bệnh mạn tính.
Để tránh viêm họng, bạn nên hạn chế ra ngoài trời sớm (trước 6h) hoặc muộn (sau 20h). Hạn chế đưa trẻ nhỏ, người già đi xa, đến những nơi đông đúc hoặc có nhiều dị nguyên như vườn bách thú... Đeo khẩu trang để tránh không khí lạnh đi trực tiếp vào khoang mũi. Không uống đồ lạnh, rửa tay trước khi ăn, sau tiếp xúc với các bề mặt không sạch, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng... Đứng cách xa những người đang có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi...
Khi có dấu hiệu sớm như khô họng, rát họng, sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi..., bạn uống nước ấm, mũi, ngậm thuốc ho để giảm triệu chứng.
Ngoài ra, vào mùa lạnh, gia đình nên dự phòng gừng, sả, mật ong để uống, tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau họng, ho, sốt. Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, cho biết gừng có tính kháng viêm, tiêu đờm, chữa cảm lạnh, tốt cho tiêu hóa, trị chướng bụng, đau bụng, có thể uống kèm mật ong tăng hương vị. Nước gừng có tác dụng kháng viêm, tiêu đờm, chữa cúm và là bài thuốc chống lạnh, tiêu hóa tốt...
Để giảm đau họng, bạn dùng 7 lát gừng tươi, 7 củ hành và một bát nước sắc lên uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi. Người bị sốt rét, nóng lạnh, ho có đờm, dùng gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái miếng, ngậm nuốt nước. Có thể thay gừng bắng vỏ quế, hoa tiêu, vỏ cam quýt bưởi...
Trường hợp ho lâu ngày không dứt, ho có đờm, dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm. Trẻ em ho lâu ngày không khỏi, lấy 200 g gừng tươi nấu nước tắm... Lưu ý, gừng tính nóng nhiệt cao, người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn nhiều.
Cách khác là uống hỗn hợp nước ấm pha chanh, mật ong khi vừa ngủ dậy giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả. Nên pha mật ong với nước ấm, bởi nước lạnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong dạ dày. Không nên uống quá nhiều một lúc mà nhấp từng ngụm nhỏ.
Lá diếp cá có thể sắc cùng nước vo gạo uống để tăng miễn dịch, bổ sung dưỡng chất và điều trị viêm họng. Húng chanh tươi nấu nước xông hoặc thêm gừng, hành để xông cho ra mồ hôi, giảm mệt mỏi.
"Nếu bệnh không thuyên giảm sau hai đến ba ngày áp dụng các cách trên, hoặc có dấu hiệu tăng nặng, cần đến bệnh viện khám", bác sĩ Đào khuyến cáo.