Mãn kinh sớm có di truyền không?
Mẹ tôi mãn kinh từ năm 43 tuổi. Một năm nay kinh nguyệt của tôi không đều, ít dần. Tôi có nguy cơ mãn kinh sớm do di truyền không, cách nào để điều trị? (Ngọc Hà, 29 tuổi, Hải Phòng)
Trả lời:
Mãn kinh là quá trình tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ 45-55 tuổi, nếu trước năm 40 tuổi là mãn kinh quá sớm.
Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá, tiền sử phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, tử cung; hóa xạ trị vùng chậu trong điều trị ung thư; viêm não tủy hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính; mắc bệnh tự miễn như tuyến giáp, cường giáp, bệnh Addison, Celiac, quai bị, tiểu đường... dễ gặp tình trạng này. Phụ nữ nhiễm HIV cũng có thể mãn kinh sớm nếu không kiểm soát bệnh tốt.
Mãn kinh sớm có yếu tố di truyền, ít nhất 290 gene được xác nhận có liên quan. Phụ nữ bị thiếu nhiễm sắc thể hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như thiếu hụt 17-alpha-hydroxylase, galactosemia, hội chứng Digeorge, loạn dưỡng loạn sản cơ, mất đoạn nhiễm sắc thể... thường mãn kinh sớm hơn. Tình trạng này cũng thường xảy ra ở nữ giới mắc hội chứng Turner, mất một phần hoặc hoàn toàn nhiễm sắc thể X, trisomy 18 và 14, buồng trứng không hình thành bình thường khi sinh, chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
Phụ nữ có mẹ hoặc chị, em gái mãn kinh sớm có khả năng di truyền, tăng nguy cơ mãn kinh sớm cao gấp 6 lần so với người bình thường. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ dựa trên 10.600 phụ nữ 45-54 cho thấy những phụ nữ có mẹ, chị gái, dì hoặc bà mãn kinh trước 46 tuổi có nguy cơ mãn kinh sớm khoảng 37,5%. Nguy cơ này có thể cao hơn với những phụ nữ có quan hệ huyết thống trực tiếp với người mãn kinh trước 40 tuổi.
Độ tuổi mà người mẹ mãn kinh là gợi ý để ước tính thời điểm mãn kinh của con gái. Đôi khi tình trạng này xảy ra mà không có nguyên nhân cụ thể.
Để chẩn đoán xác định tình trạng mãn kinh, ngoài khai thác yếu tố tiền sử gia đình, bác sĩ còn tính đến đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt. Trường hợp cần thiết, bác sĩ chỉ định người bệnh đo nồng độ FSH, E2, nhiễm sắc thể đồ, đo chức năng tuyến giáp, đường huyết, huyết thanh, lượng canxi huyết thanh, mật độ khoáng của xương... Nếu phụ nữ vô kinh trên 12 tháng liên tục, nồng độ gonadotropin cao và có các triệu chứng thiếu hụt estrogen được xem là bước vào giai đoạn mãn kinh.
Mãn kinh sớm gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Các hậu quả ngắn hạn gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, đau đầu, đánh trống ngực, khó thở, tăng cân, khô âm đạo, khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh, khó chịu, mất ngủ, giảm trí nhớ, suy giảm đời sống tình dục... Về lâu dài, phụ nữ có thể bị vô sinh, loãng xương, tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
Phác đồ điều trị khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kết hợp hoặc liệu pháp hormone (HRT) để bù đắp lượng hormone bị thiếu. Trường hợp người có bệnh nền như ung thư vú thì không thể điều trị bằng liệu pháp hormone. Lúc này, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân phương pháp điều trị cá thể hóa phù hợp.
Phụ nữ có dấu hiệu mãn kinh sớm nhưng còn mong muốn sinh con, bác sĩ tư vấn trữ đông noãn (trứng) để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai. Chị em cân nhắc thụ tinh ống nghiệm (IVF) bằng trứng đã được trữ đông trước đó để mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Bạn có thể thuộc nhóm có nguy cơ cao mãn kinh sớm. Bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm cụ thể và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Chăm sóc sức khỏe thể chất tốt giúp mang lại hiệu quả điều trị cao. Bạn nên ăn uống khoa học kết hợp lối sống lành mạnh. Tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc thụ động và hạn chế tối đa sử dụng bia rượu, đồ uống chứa caffeine, chất kích thích; ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin D, omega-3, omega-6... Mặc quần áo thoáng mát, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, quan hệ tình dục thường xuyên, đều đặn. Tập thể dục thường xuyên, vừa sức để duy trì cân nặng hợp lý, giải tỏa căng thẳng.