Mắc hai bệnh tiêu hóa cùng lúc
TP HCMÔng Thanh, 71 tuổi, nuốt nghẹn, vướng họng mỗi khi ăn uống, bác sĩ khám phát hiện mắc bệnh co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành thực quản.
Ông Thanh còn bị trào ngược dạ dày - thực quản khoảng 3-4 tháng nay. Kết quả chụp X-quang có thuốc cản quang, nội soi đường tiêu hóa trên (dạ dày), đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ông Thanh bị chứng co thắt tâm vị do rối loạn nhu động thực quản (tâm vị mất khả năng giãn) và thoát vị khe hoành thực quản.
Ngày 31/5, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp Heller (cắt cơ vòng dưới thực quản qua ngả bụng), kết hợp tạo van chống trào ngược, đồng thời khâu lỗ khe hoành qua nội soi bụng. Phẫu thuật kết hợp này giúp giải quyết những triệu chứng nuốt vướng, nuốt khó, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Sau khi gây mê nội khí quản cho ông Thanh, bác sĩ nội soi qua ngả bụng qua các đường rạch nhỏ và quan sát từ màn hình video. Bác sĩ phân tích thực quản và các bộ phận phía dưới, xẻ mở cơ thực quản một đoạn 6 cm, dạ dày một đoạn 2 cm dưới tâm vị, khâu hẹp lỗ hoành thực quản, tạo van chống trào ngược.
Hậu phẫu, người bệnh đáp ứng tốt, vết mổ khô và xuất viện sau hai ngày. Một tuần đầu bệnh nhân ăn được đồ lỏng, từ tuần thứ hai chuyển dần sang chế độ ăn đặc hơn, sức khỏe ổn định, không còn nuốt nghẹn, nuốt vướng hay trào ngược dạ dày - thực quản về đêm.
Bác sĩ Minh Hùng cho biết co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành thực quản ít gặp, triệu chứng có thể nhầm lẫn như khó nuốt, ợ, đau và khó chịu ở ngực, dẫn đến ăn uống kém, sụt cân. Thông thường người bệnh chỉ mắc một trong hai bệnh này. Trường hợp ông Thanh phát hiện hai bệnh cùng lúc, được bác sĩ phẫu thuật nội soi trong một cuộc mổ thuận lợi.
Co thắt tâm vị là sự thoái hóa tiến triển của những tế bào hạch trong đám rối thần kinh thực quản tại thành thực quản. Điều này khiến cơ thực quản dưới không thể giãn, đi kèm mất nhu động ở đoạn xa nên cơ vòng dưới thực quản không thể mở ra hoàn toàn để đẩy thức ăn xuống dạ dày, làm thức ăn ứ đọng gây ra triệu chứng khó nuốt, nuốt vướng.
Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ điều trị phù hợp như dùng bằng thuốc, can thiệp (nong, cắt cơ vòng dưới qua phẫu thuật nội soi hay qua ngả miệng). Thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và áp dụng với người bệnh không thể chịu được can thiệp do các bệnh nội khoa nặng đi kèm.
Bác sĩ Hùng cho biết phương pháp nong bóng có ưu điểm là hiệu quả tức thì, thời gian thực hiện nhanh (5-7 phút), song tái phát cao nên có thể phải thực hiện nhiều lần. Phẫu thuật nội soi cắt cơ vòng dưới thực quản tuy xâm lấn hơn nhưng kết quả lâu dài và tốt hơn.
Thoát vị khe hoành thực quản xảy ra khi một phần dạ dày chui lên lồng ngực. Thông thường, dạ dày nằm dưới cơ hoành, là cơ mỏng hình vòm ngăn cách giữa các cơ quan trong lồng ngực và ổ bụng. Thực quản là ống đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày và đi qua một lỗ trên cơ hoành xuống bụng. Khi xảy ra tình trạng thoát vị khe hoành thì dạ dày lại chui qua lỗ trên cơ hoành và lên ngực.
Thoát vị nhỏ thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám bệnh lý khác hay chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng ngực - bụng. Khi thoát vị lớn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nóng rát sau xương ức, khó nuốt, đau bụng, đau ngực, hạn chế hô hấp, viêm loét dạ dày thực quản. Nguyên nhân của bệnh lý này có thể do bẩm sinh, tuổi tác, ho kéo dài, trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài, nôn, rặn, tập thể dục hay mang vác nặng.
Bác sĩ Minh Hùng cho biết co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành thực quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần đến những cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý trên.