'Ma trận' thuốc giảm cân cấp tốc
Gần Tết, các bài đăng bán thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, người bán cam kết giảm 4-5 kg một tháng, không cần tập thể dục, "không gầy không lấy tiền".
Sau vài phút đăng bài lên nhóm "Giảm cân cấp tốc" trên Facebook, Lan - người bán hàng trú tại Hà Nội, nhận loạt comment (bình luận) gửi về. Sản phẩm cô rao bán là viên uống giảm cân thảo mộc Baschi, nguồn gốc Thái Lan, "với nguyên liệu 100% từ thảo dược thiên nhiên, giúp giải độc tố trong cơ thể, giảm mỡ thừa, hạn chế hấp thu chất béo trong thức ăn", giá 180.000 nghìn đến 300.000 nghìn đồng một hộp.
Lan cam kết thuốc chính hãng, giúp giảm cân hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. Ngoài hình ảnh thuốc, cô cung cấp tin nhắn từ khách hàng cũ, đã che tên để tăng độ uy tín. Bên cạnh viên Baschi, Lan tư vấn thêm nhiều loại thuốc dạng bột, dễ tan, hiệu quả nhanh, "cam kết không giảm sẽ hoàn tiền".
Một tài khoản bán hàng khác cung cấp thuốc giảm cân thảo mộc tự nhiên, như hoa anh thảo, tinh dầu, mật ong, gừng..., giá 480.000 nghìn đồng. Người này cam kết sản phẩm "phá đảo mọi thị trường, đánh bay mọi loại mỡ, kể cả mỡ lâu năm". Thuốc được sản xuất tại Việt Nam, không có tác dụng phụ, chất độc hại, kể cả đang mang thai cũng có thể dùng. Khách mua hàng có thể kiểm tra mã vạch trước khi nhận hàng.
Trong nhóm Hội những người giảm cân đón Tết, một tài khoản khác giới thiệu thuốc giảm cân dạng bột, chỉ cần pha đều vào nước hoặc sữa để uống, không có mùi tanh. Người này cho biết, gói thuốc giảm cân hiệu quả hơn dạng viên nén, giảm 4-5 kg trong một tháng, giá 200.000 nghìn cho một hộp 10 gói. Người này tư vấn mọi người nên dùng từ hai liệu trình, tặng thêm nhiều phần quà như kẹo giảm cân, cân điện tử...để tiện theo dõi quá trình.
Cũng trong nhóm này, nhiều người khác bán các loại thuốc dưới dạng kẹo, chuyên thải mỡ bụng, thải thức ăn thừa ra ngoài, giúp tiêu hóa nhanh và siết eo nhỏ lại. Một hộp 60 viên, giá chỉ 300.000 đồng, uống hai viên một ngày.
Khảo sát của VnExpress, việc mua bán và tìm kiếm thuốc giảm cân trên các nền tảng mạng xã hội rất đơn giản. Chỉ cần gõ nội dung "tìm thuốc giảm cân", "bán thuốc giảm cân cấp tốc"..., sau vài giây, hàng chục lời rao bán thuốc xuất hiện. Những người này sẽ lập tức nhắn tin để tư vấn công dụng, hiệu quả thuốc, cách sử dụng kèm cam kết giảm cân nhanh trong thời gian ngắn.
Có nhiều group (nhóm) giảm cân thu hút hàng trăm nghìn thành viên, mỗi ngày xuất hiện từ 10 - 20 bài đăng bán thuốc. Sản phẩm đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại, từ bài thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng, đến cà phê, trà, bút tiêm... Đa số được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Nhật, Thái Lan... hoặc sản xuất trong nước, giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một hộp.
Các chuyên gia cho biết dịp cận Tết là "mùa vàng" cho người bán sản phẩm giảm cân, do tâm lý nhiều chị em muốn làm đẹp nhanh chóng nhưng không cần kiêng khem, tập luyện. Người kinh doanh lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của người dân để thổi phồng công dụng sản phẩm.
Ngoài ra, so với thuốc, quy trình kiểm nghiệm và cấp phép cho thực phẩm chức năng đơn giản hơn, bởi đây là những sản phẩm có thể dùng cho phần lớn những người có sức khỏe bình thường, ít có rủi ro về tác dụng phụ hoặc nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng như thuốc. Đây là một trong lý do thị trường thuốc giảm cân như "ma trận".
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đánh giá các sản phẩm giảm cân chưa rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm tra có thể gây căng thẳng hoặc hại cho gan, thận. Nguy hiểm hơn là biến chứng như rối loạn tiêu hóa, tim mạch, thần kinh... Mặt khác, việc sử dụng đồng thời sản phẩm giảm cân với các thuốc chữa bệnh khác có thể ảnh hưởng hiệu quả của cả hai loại thuốc.
Thực tế, tình trạng bệnh nhân nhập viện do tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều. Như bệnh nhân nữ, 43 tuổi, mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (100% từ thảo dược thiên nhiên Thái Lan, giá 500.000 đ/hộp) để uống, sau đó phải cấp cứu tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh với trọng lượng 70kg, cao 1m60, bệnh nhân chỉ còn 35 kg, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng.
Trường hợp khác, nữ 37 tuổi suýt chết do uống cà phê giảm cân, một hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống một gói. Uống đến gói thứ 4, chị khó thở, lạnh toát và háo nước, thân nhiệt hạ thấp đột ngột, nhập viện cấp cứu do cà phê chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm dùng vì nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Sibutramine là một thành phần được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phát hiện trong nhiều thực phẩm bổ sung để giảm cân. Đây là hoạt chất tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng lượng sérotonine và noradrénaline trong não, từ đó tạo cảm giác no và chán ăn. Tuy nhiên, chất này đã bị loại khỏi thị trường từ năm 1997 do làm tăng đáng kể huyết áp và nhịp tim, đe dọa tính mạng người có bệnh tim.
Năm 2011, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Hồi giữa năm 2024, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả tinh vi, trong đó phát hiện cả chất cấm sibutramine. Bao bì, nhãn mác, vỏ hộp và các viên nén bên trong được làm giả y hệt với mẫu mã thật. Theo giới chức, để che giấu cơ sở sản xuất, các đối tượng đã bán trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử - nơi không có chế tài kiểm tra độ tin cậy sản phẩm. Giá thành rẻ và bao bì y hệt đã thu hút nhiều lượt mua hàng.
Tương tự, phó giáo sư, tiến sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, khuyến cáo mọi người không nên cưỡng ép giảm cân vừa phản khoa học vừa nguy hại sức khỏe, dễ tăng cân trở lại. Chưa kể, các sản phẩm giảm cân không thể thay thế chế độ ăn uống hợp lý kết hợp vận động, nghỉ ngơi, thư giãn đúng cách. Nhiều sản phẩm giảm cân quảng cáo tràn lan, trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây hại sức khỏe. Lạm dụng thuốc gây suy dinh dưỡng, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa... Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do suy nhược, suy thận, suy gan...
Quy tắc giảm cân là lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục.
Tuyệt đối không nhịn đói, cần duy trì đầy đủ các bữa ăn chính, chỉ nên giảm thực phẩm nhiều năng lượng như mỡ, món chiên, quay, xào, thịt mỡ, đồ ngọt. Tập thể dục và nghỉ ngơi, tránh stress.
Mỗi người chỉ nên giảm khoảng 1,5 đến hai kg trong một tháng. Không đặt cược tính mạng vào chiêu trò quảng cáo giảm cân cấp tốc hay phương pháp chưa được kiểm chứng.