Lý do phụ nữ mãn kinh thường ngáy ngủ
Phụ nữ mãn kinh thường thiếu hụt hormone estrogen và progesterone, lão hóa, tích trữ mỡ khiến đường thở dễ bị xẹp khi ngủ, dẫn tới ngáy.
Ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô mềm ở đường hô hấp trên khi có luồng không khí đi qua. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phụ nữ ít ngáy ngủ hơn nam giới do khác biệt đặc điểm giải phẫu đường thở và hormone sinh dục. Nam giới thường có vòm khẩu cái mềm, dày, đường hô hấp trên dài hơn nên dễ xẹp xuống khi ngủ, cản trở lưu thông khí ra vào hầu họng. Mỡ thừa vùng cổ có khả năng nhiều hơn so với nữ, tăng nguy cơ ngáy.
"Ở giai đoạn mãn kinh, nữ giới có nguy cơ ngáy nhiều hơn so với thời trẻ", bác sĩ Ngân nói, giải thích thêm tuổi tác gây ra những thay đổi về giải phẫu, sinh lý, miễn dịch khiến hệ hô hấp suy yếu. Đường thở, hệ thống mạch máu kém linh hoạt, phế nang bắt đầu giãn nở, làm giảm hiệu quả trao đổi khí oxy - cacbonic.
Quá trình lão hóa khiến cơ bắp yếu hơn, dung tích phổi giảm, khung xương sườn cứng do vôi hóa làm giảm khả năng giãn nở lồng ngực, điều hòa hơi thở. Mô phổi mất tính đàn hồi khiến đường thở bị thu hẹp. Đồng thời, sức mạnh cơ hô hấp yếu đi, hoạt động của cơ giãn hầu họng kém, gây cản trở quá trình loại bỏ dị vật, dịch nhầy để khai thông đường thở.
Trương lực cơ giảm khiến đường thở không mở liên tục để đáp ứng với áp suất âm trong lòng phổi khi hít vào. Đường thở trên bị thu hẹp lại, làm tăng vận tốc luồng khí ra vào phổi, thúc đẩy tình trạng thở khò khè và ngáy. Phụ nữ mãn kinh có nhiều thay đổi về số lượng, sự phân bố mỡ trong cơ thể, tăng khả năng tắc nghẽn đường thở. Hormone sinh dục như estrogen và progesterone đều sụt giảm gây mất cân bằng nội tiết, tăng các cơn bốc hỏa, mất ngủ, dẫn đến rối loạn nhịp thở khi ngủ.
Ngáy ngủ ở phụ nữ mãn kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). OSA đặc trưng bởi tình trạng ngáy to, sau đó là khoảng thời gian im lặng khi hơi thở ngừng lại, thường kéo dài từ 10 giây trở lên. Giảm hoặc ngừng thở khiến nồng độ oxy giảm trong khi cacbonic dần tích tụ trong máu. Não bộ phát hiện ra những thay đổi này, phản ứng bằng cách đánh thức người bệnh dậy nhiều lần trong đêm với tiếng khịt mũi hoặc thở hổn hển.