Lý do khiến bụng đói cồn cào
Ăn không đủ bữa, chọn thực phẩm ít chất dinh dưỡng, mất nước và căng thẳng đều gây ra cảm giác đói cồn cào.
Đói là phản ứng tự nhiên của cơ thể, có thể do các cơn co thắt ở cơ dạ dày hoặc do ruột giải phóng hormone ghrelin (hormone gây đói). Dấu hiệu cơn đói thường bao gồm cảm giác cồn cào, đau bụng, dạ dày trống rỗng, co thắt vùng dạ dày, một số trường hợp xuất hiện tiếng kêu trong dạ dày do sự chuyển động của khí và chất lỏng trong hệ thống tiêu hóa tạo ra. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra cơn đói.
Nhịn ăn
Nếu cơn đói và cảm giác cồn cào trong bụng xuất phát từ vùng bụng trên thì nhiều khả năng do ăn không đúng bữa như thường lệ, ít hơn so với bình thường, bỏ bữa làm dạ dày trống rỗng. Nguyên nhân cũng có thể do bạn ăn như bình thường nhưng hoạt động thể chất nhiều, đốt cháy lượng lớn calo nên thiếu hụt năng lượng.
Chất lượng thực phẩm
Một số người có thể đói ngay sau khi kết thúc bữa ăn. Nguyên nhân thường đến từ thực phẩm tiêu thụ không đủ chất dinh dưỡng hoặc do lượng thức ăn nạp vào ít hơn. Trường hợp bạn ăn thực phẩm chế biến sẵn dễ làm lượng đường trong máu tăng cao, gây ra các triệu chứng cồn cào, khó chịu giống như đói.
Mất nước
Mất nước dễ làm cơ thể nhầm lẫn khát với đói. Nó khiến dạ dày cảm thấy trống rỗng và gửi tín hiệu để não bộ biết. Uống nhiều nước trong ngày để cung cấp nước và giảm cảm giác đói.
Các vấn đề về đường tiêu hóa
Nếu bạn vẫn đói dù đã ăn nhiều và đầy đủ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thì khả năng hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề. Bạn cũng có thể mắc tình trạng tiêu hóa khác như không dung nạp lactose, bệnh celiac, táo bón hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS). Người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị thích hợp.
Thuốc
Một số loại thuốc làm dạ dày cồn cào, khó chịu, giống như cơn đói. Trong một số trường hợp, thuốc không hợp dẫn đến rối loạn loét dạ dày, viêm dạ dày... Nếu phải uống thuốc thường xuyên, người bệnh nên ghi lại nhật ký về các dấu hiệu xảy ra, trao đổi với bác sĩ để kịp thời điều chỉnh.
Lo lắng hoặc căng thẳng
Căng thẳng khiến ruột của một số người bị co thắt, có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và chuột rút. Căng thẳng cũng có khả năng gây táo bón và tích tụ khí, tiếng kêu trong dạ dày tương tự như cơn đói.
Người thường xuyên đói dai dẳng nên tập ăn uống chậm rãi, cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa. Ăn vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày, tạo thói quen cho cơ thể. Nếu vận động nhiều hơn bình thường, bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu nặng lượng như protein, chất đạm và giảm lượng carbohydrate đơn giản trong chế độ ăn uống. Lưu ý không bỏ bữa, uống nước đầy đủ, khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày để tránh mất nước.
Người bệnh nên đi khám nếu đói xuất hiện thường xuyên kèm theo các triệu chứng như hụt hơi, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu, buồn nôn, đau đầu.