Lưu ý gì sau mổ tinh hoàn?
Tôi dự định vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm. Phẫu thuật này có đau không?
Sau mổ cần kiêng quan hệ bao lâu hay lưu ý gì để tránh tai biến? (Minh, 43 tuổi, Vĩnh Phúc)
Trả lời:
Micro-TESE là kỹ thuật vi phẫu thuật tìm các ống sinh tinh có khả năng có tinh trùng ở mô tinh hoàn dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi hiện đại. Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp nam giới vô tinh do tắc nghẽn thất bại với phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESA) hoặc vô tinh không do tắc nghẽn.
Vi phẫu micro-TESE được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân vô tinh hiện nay. Ưu điểm là lượng tinh trùng thu được cao hơn, ít gây tổn thương mô tinh hoàn, hạn chế nguy cơ biến chứng hậu phẫu (chảy máu, nhiễm trùng, sang chấn, phá hủy chức năng tinh hoàn, suy giảm nội tiết nam, suy sinh dục...). Kết quả thụ tinh ống nghiệm tương đương với tinh trùng lấy trong tinh dịch. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân nam vô tinh có cơ hội làm cha mà không phải xin tinh trùng hiến tặng.
Một số thống kê cho thấy tỷ lệ tìm thấy tinh trùng nhờ micro-TESE chiếm khoảng 50-60% các trường hợp vô tinh nói chung và gần 100% đối với các trường hợp vô tinh do quai bị. Cao hơn rất nhiều so với các phương pháp cổ điển như chọc hút tinh trùng từ mào tinh PESA, phân mô tinh hoàn TESE.
Micro-TESE được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn với sự trợ giúp của kính vi phẫu có độ phóng đại khoảng 25 lần. Người bệnh được gây tê tủy sống hoặc mê toàn thân trong suốt quá trình thực hiện nên không có cảm giác đau. Khi thực hiện tìm các ống sinh tinh có khả năng có tinh trùng, người bệnh được cầm máu bằng phương pháp đốt điện lưỡng cực. Sau khi hoàn tất, bác sĩ đưa tinh hoàn về vị trí cũ và đóng các lớp theo mốc giải phẫu và khâu da vết mổ bằng chỉ khâu không tiêu mũi dời.
Quá trình thực hiện vi phẫu micro-TESE thường mất khoảng hai giờ. Có trường hợp có thể mất ba giờ, tùy vào kích thước, độ xơ hóa của mô tinh hoàn, thời gian các chuyên gia quan sát để tìm ống sinh tinh có chứa tinh trùng.
Để cuộc mổ diễn ra thuận lợi, 7 ngày trước khi tiến hành, người bệnh được khuyến cáo tránh uống bia rượu, không hút thuốc, không dùng thuốc Aspirin, Ibuprofen, Naproxen để hạn chế chảy máu trong và sau phẫu thuật. Một ngày trước phẫu thuật, người bệnh nên ngừng ăn uống sau nửa đêm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, không sử dụng nước hoa, chất khử mùi sau tắm.
Sau khi thực hiện vi phẫu, bạn có thể tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Thông thường bìu sẽ sưng đau trong khoảng 24-48 giờ, sau đó giảm dần. Cần giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo, uống thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định. Uống nhiều nước, thực hiện chế độ ăn hợp lý, chọn đồ dễ tiêu hóa như cháo, súp, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng... giúp cơ thể mau bình phục.
Chế độ sinh hoạt, vận động cần lưu ý nhẹ nhàng, tùy theo tình trạng sức khỏe. Vùng bìu có tổ chức lỏng lẻo. Vì vậy, sau phẫu thuật cần kiêng quan hệ tình dục (kể cả thủ dâm) khoảng 3-4 tuần để liền vết thương, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Khi quan hệ trở lại, bạn nên nhẹ nhàng, thận trọng để tránh tổn thương vết mổ. Nếu có triệu chứng bất thường như đau nhức, sưng tấy quanh bìu, mưng mủ, sốt cao hơn 38,3 độ C, khó chịu khi quan hệ, xuất huyết dưới da với các vết bầm màu xanh hoặc đen, bạn nên đi khám ngay.