Lợi ích khi ăn cà rốt thường xuyên
Ăn cà rốt tốt cho mắt, hỗ trợ cân bằng lượng đường trong máu, kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Cải thiện thị lực
Màu cam của cà rốt là do beta carotene - chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Vitamin này giúp duy trì thị lực khỏe mạnh, góp phần ngăn ngừa bệnh quáng gà. Bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống có thể giảm mờ mắt, phòng tránh các bệnh về mắt.
Tăng cường miễn dịch
Hai loại vitamin B6 và C trong loại củ này đều thúc đẩy hệ thống miễn dịch, phòng ngừa nhiễm trùng, cúm hoặc bệnh tật khác. Vitamin B6 còn tham gia vào quá trình sản xuất kháng thể giúp cơ thể phục hồi nhanh sau nhiễm trùng. Vitamin A tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách hỗ trợ hình thành và bảo vệ màng nhầy - hàng rào ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
Tiêu hóa tốt hơn
Cà rốt rất giàu chất xơ có tác dụng quan trọng trong việc duy trì hệ tiêu hóa. Nó cũng thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh cùng chuyển động nhu động ruột đều đặn hơn. Chất xơ còn ngăn ngừa táo bón, đầy hơi. Để có món ngon từ cà rốt, bạn có thể thêm vào salad rau củ, luộc, hấp hoặc nấu canh, súp.
Cải thiện sức khỏe làn da
Cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotenoid, vitamin C, giúp cơ thể và làn da loại bỏ bụi bẩn bên ngoài. Nó cũng góp phần chống lại tổn thương của gốc tự do, thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Lượng vitamin C dồi dào trong cà rốt còn hỗ trợ sản xuất collagen, giữ cho da đàn hồi tốt, luôn tươi trẻ.
Cà rốt là món ăn phù hợp để giảm cân hoặc duy trì trọng lượng khỏe mạnh nhờ hàm lượng calo và chất béo thấp. Nó chứa nhiều nước cùng chất xơ, giúp no lâu, kiềm chế cơn đói, giảm cảm giác ăn vặt hay ăn quá nhiều giữa các bữa.
Phòng ung thư
Chất chống oxy hóa, nhất là beta carotene, có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở phổi, đại trực tràng và bệnh bạch cầu. Loại carotenoid khác trong cà rốt là lycopene giúp phòng ngừa các bệnh ung thư dạ dày, tuyến tiền liệt, phổi, vú. Lycopene cũng hỗ trợ sức khỏe mạch máu, ngăn ngừa rối loạn tim mạch.
Giảm mức cholesterol
Chất xơ hòa tan trong loại củ này liên kết với cholesterol trong đường tiêu hóa và ngăn chặn sự hấp thụ của nó vào máu. Điều này góp phần giảm mức cholesterol xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
Tăng cường não bộ
Cà rốt có một số chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Vitamin K1, folate, kali thúc đẩy chức năng nhận thức, duy trì trí nhớ và tư duy. Ngoài các món truyền thống, bạn có thể thử làm cà rốt chiên. Cắt nhỏ một vài củ cà rốt, ướp dầu ô liu và ớt tùy thích, sau đó nướng hoặc chiên trong nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng đến khi giòn rồi thưởng thức.
Cân bằng lượng đường trong máu
Dù có lượng đường cao hơn so với các loại rau khác nhưng cà rốt có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài chất chống oxy hóa carotenoid, cà rốt còn chứa chất xơ hòa tan, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu và insulin sau khi ăn. Cà rốt sống hoặc nấu chín đều có chỉ số đường huyết thấp, cung cấp nguồn năng lượng ổn định.
Loại củ này rất bổ dưỡng nhưng ăn quá mức có thể khiến cơ thể không kịp chuyển hóa beta carotene, lắng đọng tại gan gây vàng da và mắt. Tuy nhiên, chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các dấu hiệu giảm. Người có triệu chứng này nên theo dõi hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có khuyến nghị về liều lượng phù hợp.