Làm cha mẹ ở tuổi U60 sau khi hai con trai qua đời
Mất hai cậu con trai trong cùng một năm do bạo bệnh, ông Nguyễn Văn Thường và vợ nén nỗi đau, tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mong có tiếng trẻ con làm ấm ngôi nhà.
Hồi tháng 11, đưa con gái đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dự buổi gặp mặt các em bé IVF nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm, vợ chồng ông chia sẻ: "Nỗi đau đã dần nguôi ngoai, gia đình thêm hơi ấm từ khi có được cô con gái".
Ông Thường, 64 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội kết hôn cùng vợ là Nguyễn Thị Hiền 51 tuổi, đã được hơn 40 năm. Cả hai có với nhau 2 người con trai sinh năm 1995 và 1997 lớn lên khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Bất ngờ, đầu năm 2018, nỗi đau ập đến với gia đình khi cậu con trai lớn qua đời do u trung thất. 9 tháng sau, người em trai cũng không qua khỏi do căn bệnh viêm phổi cấp.
"Đau đớn tột cùng, suy sụp đến mức chỉ muốn tìm đến cái chết để chấm dứt nỗi đau ấy", ông Thường kể lại hôm 9/11, thêm rằng nhiều tháng ngày sau đó vợ chồng ông như "người mất hồn".
Nghĩ tới cảnh tuổi già cô quạnh, ông Thường nén đau thương, động viên vợ "cố gắng kiếm đứa con để cuộc sống ý nghĩa hơn". Một năm sau, vợ chồng ông tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép bày tỏ niềm khao khát có con. Thấy cặp vợ chồng tuổi đã cao, các bác sĩ đánh giá đây là ca khó, song cố gắng bằng mọi cách giúp họ được làm cha mẹ thêm lần nữa.
Các bác sĩ đã tạo được 10 phôi, lần đầu chuyển 2 phôi nhưng không được. Không bỏ cuộc, lần chuyển phôi thứ 2, đã có một thai đậu. 6 phôi còn lại được trữ đông tại Trung tâm. Mang thai khi tuổi đã cao, bà Hiền vất vả hơn so với những lần trước đó, song được chồng và các y bác sĩ đồng hành. 9 tháng sau, một bé gái chào đời khỏe mạnh, cũng là lúc thấy được nụ cười của người mẹ.
"Vợ chồng tôi mừng lắm, như cõi chết trở về", ông Thường nói, thêm rằng trước đây lúc nào cũng có nước mắt, nhưng nay đã có thể cười. Ở độ tuổi 60, mọi người có cháu nội ngoại, vợ chồng ông lại trở về "thời kỳ bỉm sữa", 12 giờ đêm vẫn ngồi pha sữa, ru con ngủ.
"Song, mọi biến cố đã qua, vất vả cùng lui dần, bé Bích Phương hiện 4 tuổi, thông minh, khỏe mạnh là niềm an ủi to lớn nhất đối với vợ chồng tôi", ông nói.
Gia đình bé Bích Phương là một trong 35 gia đình có con chào đời bằng IVF có mặt tại cuộc hội ngộ đặc biệt này. Như trường hợp chị Hoàng Thanh Hoa, 38 tuổi và chồng Đỗ Đăng Thắng, 45 tuổi, ở Hà Nội, sau 18 năm tìm con, vừa hạnh phúc đón cặp sinh đôi một trai một gái vào đầu năm nay, nhờ phương pháp IVF.
"Hai thập kỷ mới được bế con trên tay, không niềm hạnh phúc nào hơn", chị Hoa nói, kể lại sau khi kết hôn được một năm không thấy có thai, vợ chồng chị đi khám sức khỏe sinh sản đều không có bất thường. Chị đã làm IUI và IVF ở nhiều bệnh viện, phòng khám trước đó, chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi, cộng với áp lực về kinh tế.
Chị đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép như một cơ hội cuối cùng của mình. May mắn, lần chuyển phôi đầu tiên đã thành công, số phôi còn lại vẫn được trữ đông, "sau có điều kiện có thể tôi sẽ chuyển phôi nữa, sinh thêm con".
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, cho biết sau 10 năm hoạt động, nơi này đã hỗ trợ cho hàng nghìn gia đình, đón thành công khoảng 5.000 em bé chào đời.
"Những em bé IVF ở đây không chỉ là con của bố mẹ, mà còn là con của chúng tôi - các y bác sĩ đã nỗ lực cùng với gia đình trong hành trình gian khó" PGS Hà nói.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Ước tính khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Nước ta đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, mang lại hiệu quả cao. 26 năm qua, cả nước có khoảng 150.000 trẻ chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ điều trị thành công ngày càng tăng, lên đến 70%.
So với tỷ lệ vô sinh, số được điều trị của nước ta vẫn còn rất thấp, phần lớn là từ rào cản chi phí điều trị, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca. Trong khi năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng.
Trong chuỗi sự kiện nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, bệnh viện triển khai Chương trình khám hiếm muộn miễn phí, giúp các gia đình tiếp cận gần hơn với phương pháp điều trị hiện đại. Bệnh nhân sẽ được thăm khám, siêu âm tử cung buồng trứng, xét nghiệm tinh dịch đồ miễn phí, từ 19/11-19/12, tại Trung tâm IVF Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép.