Khô cứng khớp - dấu hiệu sớm cảnh báo thoái hóa
Khớp cứng, đau, kêu lạo xạo cảnh báo thoái hóa tiến triển, chậm điều trị có thể dẫn đến hư hoại sụn, hỏng khớp khó hồi phục.
Khô khớp là tình trạng không sản sinh hoặc sản sinh không đủ chất nhờn bôi trơn cho sụn khớp hoạt động. Lâu ngày, lớp sụn bị bào mòn, nứt vỡ, các đầu xương ở khớp viêm, tổn thương, mọc gai xương. "Khô khớp giống như động cơ không có chất nhờn, không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng âm thầm hỏng khớp", ThS.BS Nguyễn Văn Tú, khoa Nội Cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, nói, thêm rằng đây là lý do khiến nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị sớm.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 trường hợp khám cơ xương khớp có dấu hiệu cứng khớp, khô khớp. Dấu hiệu ban đầu thường gặp là đau, cứng khớp, xuất hiện tiếng lạo xạo khi cử động khớp... Qua thời gian với hoạt động tăng nặng, khớp hư hỏng nặng hơn và khó điều trị. Nhiều người bệnh đối mặt nguy cơ đau nhức kéo dài, biến dạng khớp, teo cơ, mất khả năng vận động.
Như bà Hạnh, 61 tuổi, nhiều năm nay cứ sáng ngủ dậy cử động khớp nghe tiếng lục cục, khớp gối đau nhức. Bà nghĩ đây là bệnh thường gặp ở người cao tuổi nên không đi khám. Tình trạng ngày càng nặng khiến bà thức giấc giữa đêm vì đau, không thể đi lại. Kết quả chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận bà bị khô khớp nặng, khớp gối hư hỏng nghiêm trọng, lớn sụn bị khô mòn, nứt vỡ, gần như không còn bao phủ bề mặt xương.
Còn anh Chánh, 40 tuổi, xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở khớp gối và bẹn từ vài năm trước. Mỗi khi thay đổi tư thế, anh thường nghe tiếng kêu lục cục, đau nhẹ song cho rằng do hay chơi bóng đá nên không đi khám. Gần đây, khớp háng đau nhiều, căng cứng vào sáng sớm khi mới ngủ dậy, anh đi khám được chẩn đoán khô khớp háng.
Khô khớp phổ biến ở người trung niên, lớn tuổi, dân văn phòng, người lao động nặng, thừa cân, béo phì, tiền sử bị chấn thương khớp. Các khớp thường bị khô là khớp háng, khớp vai, khớp tay, nhất là khớp gối. Tùy trường hợp nặng hay nhẹ, bác sĩ điều trị phù hợp như dùng thuốc, tiêm thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu.
Bà Hạnh được bác sĩ đánh giá là bệnh nghiêm trọng, đau nhiều và giảm khả năng vận động, chỉ định phẫu thuật thay khớp gối Medial Pivot. Đây là loại khớp gối nhân tạo có chất liệu hợp kim cao cấp, cấu tạo gần giống với khớp gối tự nhiên, cử động như thật. Sau cuộc mổ dài khoảng 90 phút, bà Hạnh hết đau, cải thiện chức năng của khớp gối, hai ngày sau xuất viện.
Với anh Chánh, bác sĩ cố gắng điều trị bảo tồn, dùng thuốc giảm đau, giảm viêm và tăng tiết dịch nhờn kết hợp với tập vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu với những bài tập được thiết kế riêng cho mỗi người bệnh giúp gia tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ xương khớp. Khi cải thiện được chức năng vận động của xương khớp, việc điều tiết dịch trong khớp sẽ đều đặn hơn, nhờ đó giảm khô khớp hiệu quả từ bên trong. Nếu tình trạng không cải thiện, anh sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Bác sĩ Tú cho biết tiêm chất nhờn Hyaluronic Axit cũng là giải pháp điều trị khô khớp thường được áp dụng, giảm ma sát những đầu xương, giúp khớp hoạt động trơn tru hơn và giảm đau. Chất nhờn này chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn, vì vậy người bệnh buộc phải tiêm lại nhiều lần.
Khi xuất hiện những triệu chứng bất thường, cảnh báo khô khớp kéo dài trên một tuần, người bệnh nên sớm đến chuyên khoa cơ xương khớp khám, tránh để bệnh tiến triển âm thầm.
Để giảm nguy cơ khô khớp, khớp nhanh thoái hóa hư hại, trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi người cần duy trì vận động với cường độ thích hợp, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Kiểm soát cân nặng, xoa bóp để thư giãn và kích thích tăng tiết dịch nhầy ở các khớp. Ăn uống khoa học, tăng cường vitamin C, vitamin D, omega-3, chất chống oxy hóa và canxi... Khám sức khỏe xương khớp định kỳ giúp chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh khớp kịp thời.