Khi nào nên tầm soát ung thư tai mũi họng?
Tôi hay đau họng, sưng vùng cổ, tái lại liên tục. Tôi có nên tầm soát ung thư tai mũi họng, quá trình tầm soát gồm những bước nào? (Hiếu Lâm, 55 tuổi)
Trả lời:
Ung thư tai mũi họng là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng đầu cổ, có thể xuất hiện ở hốc mũi xoang, vòm mũi họng, khoang miệng, tuyến nước bọt. Theo Globocan năm 2022, ung thư tai mũi họng đứng thứ 9 trong số 10 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm 3,1%. Tỷ lệ tử vong do ung thư tai mũi họng chiếm 2,9%, đứng thứ 8.
Loại ung thư này nguy hiểm bởi những dấu hiệu ban đầu không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp hoặc bệnh tai mũi họng thường gặp. Bạn có triệu chứng sưng, đau vùng họng, cổ thường xuyên, khàn giọng, đau tai dai dẳng, vết loét lâu lành... nên khám và tầm soát ung thư tai mũi họng. Phần lớn người bệnh đi khám khi đã xuất hiện các triệu chứng điển hình như nhức đầu, chảy máu mũi, khàn giọng, ho ra máu. Lúc này bệnh có thể ở giai đoạn muộn, khiến khó điều trị.
Tầm soát ung thư tai mũi họng sớm giúp phát hiện kịp thời, hiệu quả điều trị cao, chi phí ít. Những người có nguy cơ mắc ung thư tai mũi họng cao như hút nhiều thuốc lá, thường xuyên hít khói thuốc lá thụ động, uống rượu bia quá mức, tiền sử gia đình có người mắc ung thư tai mũi họng, lớn tuổi. Những người này nên tầm soát tai mũi họng định kỳ mỗi năm một lần.
Tầm soát ung thư tai mũi họng là quy trình kết hợp giữa khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng với các xét nghiệm tầm soát (như EBV-VCA IgA, định lượng SCC, định lượng Calcitonin, định lượng Anti-Tg, định lượng CEA) nhằm phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, khi chưa có các triệu chứng rõ ràng.
Tầm soát ung thư tai mũi họng bao gồm:
Khám và nội soi kiểm tra các cấu trúc tai mũi họng thanh quản.
Siêu âm Doppler u tuyến, hạch vùng cổ để khảo sát hình ảnh các cấu trúc bên trong cổ.
Nội soi tai mũi họng có tương phản quang phổ mạch máu để kiểm tra lớp niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng.
Xét nghiệm máu gồm 5 loại là xét nghiệm EBV-VCA IgA, xét nghiệm định lượng SCCA, xét nghiệm định lượng Calcitonin, xét nghiệm Anti-Tg, xét nghiệm CEA.
Tùy tình trạng người bệnh, bác sĩ chỉ định xét nghiệm phù hợp. Trước khi tầm soát, bạn nên hạn chế ăn ít nhất hai giờ để tránh nôn ói, trào ngược khi nội soi. Nên uống nước lọc, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có gas, nước ép trái cây, không hút thuốc lá trước khi đi khám, mặc trang phục thoải mái.