Khi nào cần điều trị mụn?
Người có làn da nổi nhiều mụn viêm hoặc mụn bọc, mụn rầm rộ, lâu khỏi, để lại sẹo… cần đến bác sĩ da liễu khám sớm.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mụn trứng cá là bệnh phổ biến, ít nguy hiểm nên nhiều người không chú trọng điều trị. Một số người tự nặn mụn, điều trị mụn tại nhà không đúng cách gây biến chứng như sẹo, tăng hoặc giảm sắc tố sau mụn, mụn mạn tính, nhiễm trùng...
Theo bác sĩ Bích, phụ nữ dễ bị mụn trứng cá dai dẳng hơn nam giới. Mụn ở nữ thường bùng phát vào thời điểm một tuần trước kỳ kinh nguyệt. Loại mụn này có thể tự khỏi. Trường hợp mụn trứng cá có thể tự chăm sóc tại nhà là mụn đầu trắng, đầu đen, kích thước li ti với số lượng ít. Mụn không bị viêm, sưng đỏ, có thể tự khỏi trong vòng một tuần khi chăm sóc da đúng cách.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị tại chỗ (kem, gel thoa) không kê đơn hoặc sữa rửa mặt chứa benzoyl peroxide hoặc axit salicylic. Các hoạt chất này giúp làm khô cồi mụn cũ, ngăn mụn mới hình thành, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, tẩy tế bào chết trên da, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc nghẽn do vi khuẩn. Nếu mụn không giảm trong 4-8 tuần hoặc nặng hơn, người bệnh cần đến bệnh viện. Trường hợp nổi mụn viêm nhiều, đau, ngứa da sau khi sử dụng thuốc hoặc sử dụng mỹ phẩm cũng cần đến bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da khám.
Người có mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng với các biểu hiện như kéo dài dai dẳng, số lượng mụn nhiều trên vùng da rộng, mụn viêm nhiễm, sưng tấy gây đau nhức, sẹo trứng cá. Người bệnh cần đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu sớm khi mụn trứng cá dạng cục, dạng kén (hay gặp ở nam), tổn thương sâu; mụn trứng cá bọc (mụn mủ) dai dẳng, tổn thương dạng cục, dễ để lại sẹo lõm, lỗ dò trên da, hoặc mụn trứng cá cấp tính xảy ra đột ngột kèm sốt, mệt mỏi, loét da...
Ở người trưởng thành, mụn trứng cá đột ngột xuất hiện nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh khác như rối loạn nội tiết tố... Người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân gây mụn, đánh giá tình trạng và điều trị kịp thời các bệnh tiềm ẩn. Điều trị đúng liệu trình, phù hợp với loại da, tình trạng bệnh giúp mụn nhanh lành, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm biến chứng sau mụn.
Tùy mức độ mụn nặng hay nhẹ mà điều trị có thể kéo dài 10-12 tuần. Trường hợp mụn kháng trị có thể lâu hơn. Người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc da phù hợp tránh mụn tái phát.
Bác sĩ Bích khuyến cáo không trị mụn bằng cách thoa rượu thuốc, đắp lá cây, kem trộn, kem lột da... hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác. Các loại mụn không nên tự nặn là mụn mủ, nhọt, mụn đinh râu, nhất là ở vùng chữ T - bắt đầu từ đầu sống mũi tới dưới hai khóe miệng. Vùng da này cũng chứa nhiều mạch máu nên nặn mụn có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào máu, dẫn đến phù, sưng mắt, méo mặt, nặng hơn là viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não dẫn đến hôn mê, tử vong.