Kết hôn trễ, khó sinh con
TP HCMBa lần gom trứng để thụ tinh ống nghiệm vì dự trữ buồng trứng cạn kiệt, chị Thủy, 43 tuổi, hối tiếc vì đã kết hôn và sinh con quá trễ.
"Bố mẹ có đủ cháu nội ngoại nên không hối thúc tôi kết hôn", chị Thủy kể hôm 27/3. Ngoài thời gian đi làm, chị cùng nhóm bạn chơi thể thao, đi du lịch, không muốn kết hôn và sinh con sớm dù có bạn trai nhiều năm.
Năm 2020, sát mốc 40 tuổi, họ mới cưới nhau, hai năm sau vẫn chưa có con. Tháng 8/2022, chị Thủy cùng chồng quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) để thụ tinh ống nghiệm.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Thủy lớn tuổi, dự trữ buồng trứng thấp (AMH còn 0.9) nên cơ hội có con bằng trứng của mình rất thấp. Các tình trạng viêm tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung tăng khó khăn trong quá trình điều trị.
Trường hợp khác là chị Lam, 42 tuổi, kết hôn vào năm 2021 sau 15 năm dồn sức cho công việc. Chị có chu kỳ kinh thưa thớt, 3-4 tháng mới đến kỳ "đèn đỏ", số ngày hành kinh ngắn.
Sau một năm không có con, vợ chồng đi khám, được chẩn đoán dự trữ buồng trứng cạn kiệt (AMH chỉ còn 0.44), kèm tình trạng lạc nội mạc tử cung trong cơ. Bác sĩ cho biết nếu không muốn xin trứng hoặc xin con nuôi, cách duy nhất là gom trứng.
Những trường hợp kết hôn và sinh con muộn như chị Thủy và chị Lam không hiếm. Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người ở thành thị là 29,8 tuổi, tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022. TP HCM có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước (hơn 2,9 tuổi).
Theo bác sĩ Như, sau 35 tuổi, số lượng, chất lượng trứng suy giảm nhanh, khiến phụ nữ khó sinh con hay có nguy cơ sinh con khuyết tật. Tại IVF Tâm Anh TP HCM, phụ nữ lớn tuổi, AMH thấp, điều trị thất bại nhiều lần ở các trung tâm trước đó chiếm khoảng 50% bệnh nhân vô sinh hiếm muộn.
Trước đây, trường hợp phụ nữ lớn tuổi, dự trữ buồng trứng cạn kiệt như chị Thủy và chị Lam hầu như được chỉ định xin trứng từ người khác để thụ tinh ống nghiệm hoặc xin con nuôi. Hiện nay, nhiều công nghệ và kỹ thuật hiện đại, điển hình là kỹ thuật trữ trứng, trữ phôi; đồng thời các phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, gom trứng và gom phôi tích lũy nhiều chu kỳ, giúp họ có con của chính mình.
Chị Thủy được gom trứng 3 chu kỳ, thu được 12 noãn trưởng thành. Chuyên viên phôi học tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI), nuôi cấy phôi trong phòng lab ISO5 bằng hệ thống tủ nuôi cấy trang bị camera quan sát liên tục (time-lapse), tích hợp trí tuệ nhân tạo. Môi trường nuôi cấy với các điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, độ pH ổn định... giúp phôi phát triển tối ưu. Kết quả chị có 6 phôi ngày 5 chất lượng tốt, sau sàng lọc còn 5 phôi không mang bất thường di truyền.
Chị Thủy được điều trị ổn định bệnh viêm tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi vào lòng tử cung tháng 7/2023 giúp đậu thai.
Mang thai khi lớn tuổi khiến chị Thủy mệt mỏi, ốm nghén nặng, ăn uống khó khăn suốt thai kỳ. Ngày 22/3, con trai chị chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thai 38.
Chị Lam cũng được gom trứng trong ba chu kỳ. Hai bên buồng trứng đều cạn kiệt nên chỉ thu được tổng cộng 5 trứng. Số lượng trứng siêu ít và chất lượng kém nên tạo được phôi duy nhất ngày 3.
Chị được điều trị lạc nội mạc tử cung, chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển phôi vào cuối tháng 8/2023, giúp đậu thai. Thai kỳ hiện 29 tuần, phát triển khỏe mạnh.
"Tôi hối hận vì kết hôn muộn, suýt nữa không còn cơ hội có con của chính mình", chị Lam nói.
ThS.BS Giang Huỳnh Như khuyến cáo phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi. Trường hợp phụ nữ kết hôn sau tuổi 35, sau 6 tháng chưa có thai, vợ chồng nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để khám toàn diện và điều trị sớm, giảm các khó khăn và chi phí điều trị.