Huyết áp cao ở người trẻ - kẻ giết người thầm lặng
Nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy nhiều người trẻ bị cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh, nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nhiều người cho rằng cao huyết áp là vấn đề của tuổi già. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy nhiều người trẻ cao huyết áp không biết về tình trạng sức khỏe của mình.
Nghiên cứu vừa được công bố trên JAMA Network Open vào giữa tháng 9 đã phân tích dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia của 3.129 người lớn Mỹ cao huyết áp không kiểm soát, hay còn gọi là tăng huyết áp. Các nhà khoa học phát hiện hơn một nửa số người tham gia không biết mình mắc căn bệnh này. Trong số những người biết mình bị cao huyết áp, gần 71% đã dùng thuốc nhưng không thuyên giảm.
Các chuyên gia cho rằng thiếu nhận thức về bệnh mạn tính nói chung là vấn đề phổ biến ở người trẻ. Trong nhóm 18 đến 44 tuổi bị tăng huyết áp, gần 69% phụ nữ và 68% nam giới không biết tình trạng của mình. Hơn 76% bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát chưa gặp bác sĩ trong một năm qua.
"Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe chung của quốc gia do sự liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh tim mạch", các tác giả của nghiên cứu viết trong kết luận.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng bệnh tim, chẳng hạn nhồi máu cơ tim, đang gia tăng ở người trẻ tại Mỹ.
Cao huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu vào động mạch, đến các khu vực khác của cơ thể, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Chỉ số huyết áp được chia làm hai phần: huyết áp tâm thu (số trên) và huyết áp tâm trương (số dưới). Huyết áp tâm thu đo lực tác động lên động mạch khi tim đập, trong khi huyết áp tâm trương đo lực còn lại trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.
Chỉ số huyết áp bình thường là dưới 120/80 mm Hg. Mức từ 130/80 mm Hg trở lên được coi là huyết áp cao, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ bị tăng huyết áp, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Cao huyết áp nguy hiểm thế nào?
Cao huyết áp có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, gồm đau tim, đột quỵ, tiểu đường, suy thận và sa sút trí tuệ, tiến sĩ Christopher Berg, chuyên gia tim mạch tại MemorialCare Heart and Vascular Institute ở Trung tâm Y tế Orange Coast, Fountain Valley, California, giải thích.
"Nhiều bằng chứng cho thấy việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, duy trì huyết áp ở mức bình thường có thể ngăn ngừa nhiều loại bệnh sau này", tiến sĩ Berg nói.
Việc nhận thức về tác hại của cao huyết áp không được điều trị có "tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của mọi người", từ đó giảm tỷ lệ tử vong nói chung, tiến sĩ Thomas Boyden, giám đốc y tế của Corewell Health về phòng ngừa tim mạch và phục hồi chức năng tim, nói.
Ở phụ nữ, tăng huyết áp không kiểm soát trong thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thai kỳ, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị cao huyết áp?
Các chuyên gia đưa ra một số giả thuyết về lý do số người trẻ bị cao huyết áp tăng lên trong những năm gần đây.
"Tăng huyết áp ở người trẻ có thể do nhiều nguyên nhân. Các yếu tố nguy cơ đã biết bao gồm hút thuốc lá, béo phì, tiền sử gia đình và lạm dụng rượu", tiến sĩ Saurabh Rajpal, chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Ohio State Wexner, nói.
Các nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm bệnh thận hoặc hẹp động mạch chủ - một dạng bệnh tim bẩm sinh, ông nói.
Boyden cho rằng tình trạng thừa cân và béo phì cao hơn, chế độ ăn uống kém và lối sống ít vận động đều là yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp. Ngoài ra, người trẻ ít khi chủ động đi khám, cơ hội được chẩn đoán và điều trị giảm, bởi họ không có đủ nhận thức về "kẻ giết người thầm lặng" này.
Tại sao nhiều người trẻ không biết họ bị tăng huyết áp?
Nhiều người bị cao huyết áp không có triệu chứng, Berg chỉ ra. "Nếu không bao giờ tự đo huyết áp hoặc đi khám, họ sẽ không biết mình bị bệnh. Ngoài ra, nhiều bác sĩ ngần ngại gán cho người trẻ căn bệnh tăng huyết áp chỉ dựa trên một lần đo huyết áp cao", ông nói thêm.
Việc thuyết phục một người trẻ tái khám huyết áp để chẩn đoán cũng khó khăn, bởi họ có quá nhiều mối bận tâm khác như công việc, gia đình, bạn bè, các mối quan hệ.
Bên cạnh đó, một số bác sĩ cũng không nghĩ đến khả năng một người trẻ bị cao huyết áp. Mỗi khi gặp các triệu chứng điển hình, họ thường cho rằng bệnh nhân của mình mắc các loại bệnh khác.
"Nghiên cứu này cho thấy ngay cả người trẻ tiếp xúc nhiều hơn với hệ thống y tế vẫn không biết rằng họ bị tăng huyết áp", Berg nói.
Nhận biết sớm tình trạng của bản thân
Các chuyên gia khuyến nghị kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên nếu có biểu hiện bất thường, dù ở độ tuổi nào. Nếu huyết áp trung bình nhiều lần trên mức 130/80, bạn nên chủ động thay đổi các thói quen hàng ngày. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và hạn chế rượu bia là cách để giảm khả năng mắc cao huyết áp.
Khi huyết áp lớn hơn 140/90, bạn cần được điều trị y tế. Lúc này, thay đổi lối sống và hành vi chưa đủ để xử lý vấn đề sức khỏe.