Hơn chục năm chờ chồng chữa vô sinh
Chồng vô sinh do không có tinh trùng, chị Thủy kiên trì chờ anh điều trị suốt 14 năm, gần 50 tuổi mới hy vọng đón con.
Anh Hoàng, chồng chị Thủy, không có tinh trùng do biến chứng teo tinh hoàn sau mắc bệnh quai bị. Bác sĩ khuyên xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm nhưng họ từ chối.
Chồng mất ngủ, sụt cân, đổi tính nết, chị Thủy cùng anh về quê sống. Suốt 5 năm, chị không nhắc đến việc chạy chữa để tránh áp lực cho anh. Anh Hoàng phẫu thuật tinh hoàn tìm tinh trùng (TESE) không thành công, họ trải thêm 6 năm không con cái.
Tháng 5, vợ chồng chị Thủy đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) điều trị. ThS.BS.CKII Dương Quang Huy, Trưởng Đơn vị Nam học, cho biết anh Hoàng, hiện 49 tuổi, có 30% cơ hội tìm thấy tinh binh. Tuy nhiên, lúc này chị Thủy ở tuổi 47, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) còn 0.4, tức gần cạn kiệt. Siêu âm chỉ thấy ba nang noãn (trứng) sót lại ở hai bên buồng trứng, chất lượng kém, nguy cơ phải xin noãn mới có con.
"Vợ chồng tôi hối tiếc vì bỏ lỡ nhiều năm điều trị", chị Thủy nói.
Tương tự, chị Bình, 37 tuổi, ngụ Bình Dương, đồng hành cùng chồng chữa vô sinh do không có tinh trùng suốt 13 năm. Chồng chị là anh Khuyên, 41 tuổi, uống hàng trăm thang thuốc Đông y, hai lần mổ tinh hoàn tìm tinh trùng, tốn gần một tỷ đồng nhưng không có con.
Năm 2021, anh Khuyên chấp nhận xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm cùng trứng của vợ. Tuy nhiên, lúc này chị Bình cũng đã lớn tuổi, dự trữ buồng trứng chạm đáy, chất lượng trứng rất kém, viêm nội mạc tử cung nặng nên chuyển phôi từ tinh trùng hiến tặng thất bại.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TP HCM, cho biết mỗi năm trung tâm tiếp nhận khoảng 30.000 trường hợp vợ chồng lớn tuổi, vô sinh lâu năm, tương đương 60% số bệnh nhân. Một phần ba số này là những người vợ sức khỏe bình thường nhưng chồng vô sinh.
Sau nhiều năm chờ chồng chạy chữa bằng nhiều phương pháp không hiệu quả, người vợ cũng trở nên vô sinh do cạn kiệt dự trữ buồng trứng. Điều này làm tăng độ khó trong điều trị, thời gian điều trị kéo dài, bỏ qua giai đoạn vàng, tốn kém chi phí, hiệu quả thấp.
Theo bác sĩ Như, khả năng sinh sản của con người giảm dần theo thời gian, đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ dưới 30 tuổi có 85% cơ hội thụ thai trong một năm, giảm còn 44% ở tuổi 40. Sau tuổi 40, số lượng trứng giảm với tốc độ nhanh hơn cho đến khi mãn kinh, không còn nang noãn trên hai buồng trứng. Lúc này phụ nữ rất khó có con bằng noãn của mình ngay cả khi thực hiện phương pháp IVF.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo vợ chồng sau kết hôn một năm chưa có con (6 tháng với phụ nữ ngoài 35 tuổi) nên khám, điều trị sớm giúp tăng tỷ lệ có con và giảm chi phí. Tuy nhiên, không ít vợ chồng hiếm muộn mất nhiều thời gian loay hoay tự chữa vô sinh theo các phương pháp truyền miệng, hoặc các kỹ thuật điều trị vô sinh lỗi thời, không phù hợp.
"Những phương pháp này không chỉ tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian mà còn làm mất cơ hội có con", bác sĩ Như nói.
Tại IVF Tâm Anh TP HCM, vợ chồng vô sinh được khám toàn diện, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý. Các kỹ thuật hiện đại như micro-TESE trong điều trị vô sinh nam, chiến lược gom noãn hoặc gom phôi với phụ nữ dự trữ buồng trứng thấp kết hợp với công nghệ nuôi cấy phôi hiện đại giúp tăng tỷ lệ IVF thành công.
Anh Khuyên được các bác sĩ thực hiện kỹ thuật micro-TESE, tìm thấy 9 tinh binh. Chị Bình gom hai chu kỳ được 9 noãn, thụ tinh ống nghiệm tạo được một phôi chất lượng tốt. Với chi phí chỉ bằng 1/5 chi phí 13 năm chạy chữa, chị đậu thai ngay sau lần chuyển phôi duy nhất. Con gái chị hiện 6 tháng tuổi.
Còn vợ chồng chị Thủy không muốn xin noãn nên các bác sĩ thực hiện phẫu thuật song song điều trị toàn diện vô sinh nam và vô sinh nữ.
Bác sĩ Huy mổ micro-TESE cho anh Hoàng, tìm được gần 30 tinh binh. Ở phòng bên cạnh, chị Thủy được chọc hút buồng trứng, thu được hai noãn. Chuyên viên phòng lab lựa chọn hai tinh binh tiêm vào mỗi bào tương trứng để thụ tinh, nuôi cấy được một phôi ngày 5 và trữ đông. Số tinh binh còn lại được trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa để thụ tinh ống nghiệm cùng trứng trong chu kỳ chọc hút sắp tới.
Bác sĩ Như cho biết chiến lược gom phôi giúp chị Thủy có được tối đa số phôi trước khi buồng trứng cạn kiệt hoàn toàn, tăng cơ hội có con. Chị Thủy tốn hơn 400 triệu cho hành trình 14 năm điều trị thất bại nhưng điều chị tiếc nuối nhất là thời gian.
"Tôi và chồng mong kỳ tích sẽ đến", chị Thủy nói, thêm rằng những vợ chồng cùng cảnh ngộ vô sinh hiếm muộn nên quyết tâm điều trị sớm để có con.