Hơn 120.000 người chết do ung thư mỗi năm
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 180.000 ca ung thư, hơn 120.000 ca tử vong do bệnh này, được xem là thách thức cho ngành y tế.
Thông tin được các chuyên gia nêu tại lễ ký kết hợp tác hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người mắc bệnh ung thư và y tế công bằng tại Việt Nam giữa Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày Mai Tươi sáng (Bộ Y tế) và AstraZeneca Việt Nam, ngày 2/8 tại Hà Nội.
Theo thống kê mới nhất của Globocan, mỗi năm Việt Nam ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Trong đó, dẫn đầu là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, với tỷ lệ mắc mới và tử vong tăng theo từng năm.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, cho biết các bệnh viện Việt Nam hiện trang bị hầu hết phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiệm cận với thế giới, trong đó có điều trị đích, điều trị miễn dịch. Nhiều thuốc điều trị ung thư đã được đưa vào Danh mục thuốc được chi trả của bảo hiểm y tế, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với phác đồ điều trị hiệu quả cũng như phương thuốc tiên tiến.
Song, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn. Khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp các phương pháp. "Hiện hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển", bà Xuyên nói.
Các chuyên gia cho rằng mô hình bệnh tật của mỗi nước khác nhau dẫn đến tỷ lệ tử vong do ung thư cũng khác nhau. Như tại Australia tỷ lệ ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất, còn Hàn Quốc thì tỷ lệ ung thư dạ dày, giáp trạng, đại tràng cao hơn. Những loại ung thư này có tiên lượng tốt, tỷ lệ sống cao, đặc biệt ung thư giáp trạng gần như được chữa khỏi hoàn toàn.
Còn ở Việt Nam, ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh lý thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, chia sẻ "tham vọng xóa bỏ ung thư như một nguyên nhân gây tử vong". Vì vậy, việc hợp tác nhằm tăng nhận thức về sàng lọc phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Từ đó, thúc đẩy công bằng trong y tế, biến ung thư không còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Nhiều hoạt động sẽ được triển khai hỗ trợ bệnh nhân ung thư như tổ chức câu lạc bộ bệnh nhân ung thư tại khoa hay trung tâm ung bướu của các bệnh viện. Cung cấp cho bệnh nhân chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ dinh dưỡng, tâm lý đến quản lý tác dụng phụ. Hỗ trợ tài chính phù hợp giúp bệnh nhân nhằm giảm gánh nặng tài chính, tiếp cận và duy trì điều tr.