Hội chứng sợ kết hôn
Hà NộiCuộc sống chật vật với đồng lương ít ỏi, Khoa, 34 tuổi, chấp nhận sống một mình, không dám kết hôn vì sợ gánh thêm áp lực.
Người đàn ông làm nghề bán hàng cho công ty vật liệu xây dựng với mức lương khoảng 10 triệu. Anh thuê trọ ở huyện Hoài Đức, ra khỏi nhà từ 6h30 sáng và về lúc 20h, chưa kịp ăn cơm thì khách hàng đã gọi điện, quản lý nhắn tin giục công việc. Cuối tuần, Khoa tranh thủ thời gian chạy xe ôm công nghệ từ sáng đến khuya, dành số tiền này gửi về quê giúp bố mẹ già.
"Tôi hầu như không có thời gian dành cho bản thân, lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền để tích lũy, nhưng hầu như không đạt được kế hoạch do thu nhập quá thấp", anh tâm sự.
Bố mẹ anh sốt ruột, thường xuyên gọi điện giục Khoa cưới vợ do anh là con trai một. Nhiều lần, người đàn ông tắt máy do nhìn thấy số điện thoại gia đình là hoảng hốt, tim đập nhanh, mồ hôi đầm đìa. Ban đêm, anh không thể chợp mắt dù cơ thể mệt nhọc, lâu dần có xu hướng tự hành hạ bản thân để nguôi ngoai cảm giác bế tắc giữa việc không muốn kết hôn nhưng vẫn phải làm tròn đạo hiếu.
Câu chuyện được bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, chia sẻ ngày 9/8. Khi tiếp cận, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, chóng mặt, khó thở, run tay chân khi tham gia các tình huống liên quan hôn nhân gia đình.
Người bệnh suy nghĩ tiêu cực, tự ti cho rằng "mình không xứng đáng được yêu và đã từ chối tình cảm của nhiều người". Đặc biệt, anh bị ám ảnh về vấn đề không kiếm được nhiều tiền để lo cho vợ con, nên kiên quyết sống độc thân. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc hội chứng sợ kết hôn, chỉ định bằng liệu pháp tâm lý để cải thiện.
Tương tự, Quyên, 33 tuổi, nuôi một chú chó để làm niềm vui sau thời gian dài bất an và có suy nghĩ tiêu cực mỗi khi bị nhắc đến chuyện kết hôn. Lập nghiệp xa quê, không có bố mẹ bên cạnh giúp đỡ, người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân để tạo dựng sự nghiệp. Chứng kiến đồng nghiệp lập gia đình, phải nghỉ thai sản, áp lực chăm con nhỏ khiến sự nghiệp dừng chân tại chỗ, cô tự nhủ không kết hôn để tập trung cho công việc.
Qua nhiều năm, Quyên trở nên thu mình, buồn bã, mất ngủ, kém ăn, thường cáu gắt mỗi khi gia đình đề cập đến kết hôn. Kết quả, cô được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng sợ kết hôn kèm trầm cảm nhẹ.
Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia/Fear of Marriage) là một rối loạn tâm lý, được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, ám ảnh sợ hãi, đặc trưng bởi nỗi sợ và lo lắng quá mức liên quan đến việc kết hôn hay gắn kết giữa hai cá thể trong một mối quan hệ lâu dài. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể có cảm giác hoảng loạn, mất kiểm soát về hành vi và cảm xúc.
Theo bác sĩ Thu, khác với những người sợ kết hôn do cảm xúc nhất thời hoặc có thể thay đổi tùy đối phương hoặc môi trường, người mắc hội chứng Gamophobia thường trải qua nỗi sợ kéo dài tối thiểu 6 tháng.
Một số đặc điểm nhận biết như bất an, suy nghĩ tiêu cực, cực đoan về các vấn đề liên quan đến kết hôn; mang tâm lý né tránh, phớt lờ; tự ti về bản thân; có xu hướng không muốn yêu đương. Đôi khi, họ sẽ cáu gắt, mất kiểm soát. Ngoài ra, người mắc có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, tim đập nhanh, khó thở, run rẩy, ra mồ hôi.
Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA) ước tính có tới 9% người Mỹ mắc chứng này. Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê người mắc, song những năm gần đây, tỷ lệ người kết hôn muộn tăng nhanh chóng. Như tại TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, được cho là mức kỷ lục tại Việt Nam. Dữ liệu của Tổng cục thống kê ghi nhận người độc thân có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% (năm 2004) lên 10,1% vào năm 2019.
Hội chứng sợ kết hôn liên quan một số nguyên nhân sâu xa, chủ yếu là bệnh nhân có những sang chấn tâm lý từ tuổi thơ bất lợi, khi được nuôi dưỡng trong gia đình bất hòa, xung đột, bố mẹ bạo hành, ly hôn. Những trải nghiệm tâm lý tiêu cực khiến họ nghĩ "hôn nhân như nấm mồ", từ đó từ chối việc kết hôn.
Tuy nhiên, gần đây, bác sĩ Thu quan sát thấy có nhiều người mắc bệnh sợ kết hôn do bị gánh nặng về kinh tế, tài chính. Họ cho rằng tài chính vững vàng rất quan trọng khi lập gia đình, "phải có tiền mới dám kết hôn chứ không thể một túp lều tranh, hai trái tim vàng". Vì thế, nhóm này tập trung vào sự nghiệp học tập, kiếm tiền, không có thời gian giao lưu, kết bạn, tìm người yêu.
Một số khác ngại kết hôn do chứng kiến áp lực từ giá cả sinh hoạt tăng nhanh, nhà ở, chi phí giáo dục, y tế nuôi con..., trong khi thu nhập không tăng, thậm chí giảm sút. "Những người này không muốn bị tổn thương, không sẵn sàng bước vào mối quan hệ bởi họ coi trọng hạnh phúc của bản thân hơn những điều khác", bà Thu nói.
Với bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn, một số cách trị liệu như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), tư vấn tâm lý... giúp kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, thay đổi nhận thức theo hướng tích cực đối với những vấn đề liên quan đến kết hôn.
Trường hợp bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện của bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng loạn, có thể cân nhắc sử dụng một số loại thuốc phù hợp, hỗ trợ kiểm soát cảm xúc, tinh thần.