Hết tiền, bỏ cuộc chữa ung thư
Kinh tế luôn là gánh nặng trong cuộc chiến với ung thư, nhiều gia đình khuynh gia bại sản, có người "đứt gánh giữa đường" bởi không có tiền chữa bệnh.
Phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn, di căn xương và gan, người phụ nữ 38 tuổi, ở Hà Nội, suy sụp. Nỗi đau nhân đôi khi bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị sử dụng thuốc miễn dịch với chi phí ước tính từ 50 đến 70 triệu một tháng. Chị u uất, mất ăn mất ngủ, nghĩ "căn bệnh là lời nguyền đổ xuống đầu".
Lúc này, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, liên tục động viên, khuyên bệnh nhân tiếp nhận điều trị, kéo dài sự sống. Nếu kiên trì, thời gian sống có thể tính bằng năm.
"Song, người bệnh và gia đình quyết định từ bỏ điều trị vì không đủ tiền", bác sĩ nhớ lại gương mặt u uẩn của bệnh nhân, nói đây là trường hợp rất đáng tiếc. Bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối, tiên lượng hiểm nghèo. Hiện, liệu pháp miễn dịch là con đường khả quan nhất, nhưng cũng khó khăn nhất vì thuốc đắt, không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, chưa kể tiền thuốc, xét nghiệm, tiền nằm viện. Nếu điều trị, bệnh nhân cần có sẵn vài tỷ mới đủ cầm cự. Song, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể vay mượn. "Cả nhà gom góp được chục triệu đi khám đã chật vật, không dám mơ tiền tỷ", bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Cũng tằn tiện từng đồng đi viện, người phụ nữ 30 tuổi, ở Bắc Giang, không dám mơ được điều trị bằng thuốc miễn dịch, dù đây là "cánh cửa cuối để sống". Suốt 5 năm nay, chị luẩn quẩn trong vòng xoáy "vay nợ, trả nợ, chữa bệnh", không thể nhớ đã tiêu tốn bao nhiêu tiền. Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, kèm truyền thuốc đích khiến chị đau đớn như "chết đi sống lại". Sau ba lần tái phát, bệnh hiện đã di căn gan, xương, hạch, phổi. Bác sĩ đưa ra phác đồ mới, sử dụng thuốc miễn dịch, giá 50 triệu một mũi, ba tuần tiêm một lần.
"Tính gộp thuốc, đi lại, dinh dưỡng, tổng mỗi tháng phải tiêu tốn cả trăm triệu", chị nói và cho biết đây là con số không thể với tới.
Chị một mình nuôi con nhỏ, tài sản trong nhà bán hết, "chỉ còn khoảng vườn nhỏ trồng cây để kiếm sống". Có người khuyên chị bỏ viện, về uống thuốc Nam, thuốc gia truyền, ăn thực dưỡng. Hiện, chị duy trì thuốc cũ, được bảo hiểm hỗ trợ, giá 6-10 triệu đồng một tháng. Chị nói mình không nhớ nổi đã tiêm bao nhiêu mũi, xạ bao nhiêu đợt hóa chất, "riêng khoản tiền hàng tháng đi chữa bệnh là không được phép quên".
Người phụ nữ khác, 32 tuổi, phát hiện ung thư máu vào tháng 6/2022, giai đoạn cuối. Phác đồ điều trị là dùng thuốc nhắm trúng đích, tốn khoảng 100 triệu đồng một tháng, không được bảo hiểm chi trả. Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết ba năm trước con trai chị mất do ung thư xương. Vợ chồng ly hôn. Chăm sóc chị ở bệnh viện là người giúp việc. Chị muốn sống thêm đến cuối năm để làm đám giỗ lần cuối cho con rồi mới buông tay. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, lại sống một mình, bài toán kinh tế rất nặng nề.
Điều trị ung thư là đa mô thức kết hợp nhiều phương pháp xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp đích, miễn dịch. Hiện, hầu hết xét nghiệm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật được BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần, song chi phí điều trị ung thư hết sức tốn kém, đặc biệt là thuốc.
"Các thuốc đích, miễn dịch giá đắt đỏ, BHYT chưa thanh toán nhiều, chủ yếu người bệnh tự chi trả, là gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình", GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói, thêm rằng người bệnh đến viện hầu hết ở giai đoạn muộn, khiến chi phí càng cao. Một người điều trị thuốc đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể tốn 120-150 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 500-600 triệu đồng đến vài tỷ một năm, tùy từng chỉ định và loại thuốc. Mỗi người bệnh có thể phải điều trị trong một đến hai năm. Hiện, chỉ khoảng 10% bệnh nhân ung thư được tiếp cận liệu pháp này.
Tại Bệnh viện K, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng một năm. Bảo hiểm chi trả khoảng 52 triệu đồng và người bệnh phải tự chi trả khoảng 124 triệu đồng, chiếm 70% tổng chi phí điều trị.
Khảo sát năm 2015 do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam, cho thấy 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh. Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình.
Do đó, "tiền đâu chữa bệnh" trở thành câu cửa miệng và lý do hàng đầu khiến nhiều người phải bỏ cuộc hoặc tìm phương pháp rẻ tiền hơn. "Điều trị ung thư gây suy kiệt thể xác, vừa là nỗi lo tinh thần khiến người bệnh dễ nản lòng", bác sĩ Nam nói. Nhiều người chấp nhận cái chết vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Kể cả người có điều kiện kinh tế cũng điêu đứng trước hóa tiền thuốc, tiền dịch vụ, dinh dưỡng...
"Với khoản tiền khổng lồ, nhiều bệnh nhân ung thư buộc phải bỏ cuộc, số lượng ngày càng tăng", bác sĩ Phương nói.
Theo bác sĩ, đa phần bệnh nhân phải điều trị thuốc miễn dịch đều là trường hợp ung thư giai đoạn muộn hoặc tiến triển, tức là đang điều trị nhưng không đáp ứng với phương pháp trước đó như hóa trị, xạ trị... Tuy nhiên, ung thư thường gặp ở người nghèo, không có điều kiện kinh tế, còn liệu pháp miễn dịch hay thuốc đích thì rất tốn kém. Giá của thuốc miễn dịch rất đắt, lên đến cả trăm triệu, "là cả tài sản lớn của người bệnh" nên không phải người bệnh nào cũng có thể tiếp cận.
"Nhiều bệnh nhân chấp nhận bán nhà, bán đất để được điều trị thuốc tốt nhất, song chỉ trong thời gian ngắn thì bỏ dở vì hết tiền", bác sĩ nói.
Khi bỏ điều trị, người bệnh bị rút ngắn sự sống, còn bác sĩ bất lực. Hy vọng sống vụt tắt khiến bệnh nhân suy sụp nhanh hơn. Nhiều người tìm đến phương pháp rẻ tiền hơn, chưa được nghiên cứu như uống thuốc nam, cúng thầy, mê tín dị đoan khiến bệnh diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, tương lai rộng mở, song đành buông bỏ vì "sức cùng, lực kiệt".
Gần đây, cử tri các tỉnh thành kiến nghị bổ sung một số loại thuốc vào danh mục được BHYT chi trả, trong đó có thuốc ung thư mới nhằm giải quyết khó khăn cho bệnh nhân. Bộ Y tế xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh.
Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung, cập nhật danh mục thuốc, vật tư y tế, thuốc y học cổ truyền, nhằm đảm bảo quyền lợi và mức hưởng của người có thẻ BHYT. Như vậy, tương lai gần, nếu thuốc đặc trị ung thư được BHYT chi trả, bác sĩ có thể sử dụng các liệu pháp tốt nhất để điều trị, giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội tiếp cận thuốc tốt, kéo dài sự sống.