Hạ đường huyết gây đột quỵ giả
TP HCMChị Liên, 30 tuổi, bị co giật, mất ý thức, sùi bọt mép, bác sĩ phát hiện nguyên nhân là hạ đường huyết gây đột quỵ giả.
Ngày 23/5, BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết triệu chứng của chị Liên giống với đột quỵ, tuy nhiên kết quả chụp MRI không ghi nhận tổn thương thiếu máu não cấp như bệnh nhân đột quỵ. Xét nghiệm máu cho thấy lượng đường trong máu hạ thấp chỉ còn 47 mg/dL (bình thường đường huyết lúc đói trên 80 mg/dL).
"Chị Liên bị hạ đường huyết nặng gây đột quỵ giả", bác sĩ Khuyên chẩn đoán. Đột quỵ giả được định nghĩa là tình trạng người bệnh nhập viện với các triệu chứng giống đột quỵ trong thời gian "vàng" cấp cứu, tức ba giờ đầu. Hạ hay tăng đường huyết quá mức đều có thể dẫn đến đột quỵ giả.
Triệu chứng hạ đường huyết rất giống với đột quỵ não như co giật, hôn mê, liệt tay chân. Được điều trị kịp thời, các triệu chứng này giảm dần. Hình chụp sọ não không phát hiện tổn thương não do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Hạ đường huyết ở người tiểu đường thường do tiêm quá liều insulin, dùng sai liều thuốc, bỏ bữa hay ăn quá ít, tập luyện gắng sức, do các tình trạng cấp tính khác như chấn thương, nhiễm khuẩn...
Chị Liên từng vào viện cấp cứu do hạ đường huyết nhưng đây là lần đầu bị co giật, mất ý thức. Tiền sử, chị bệnh tiểu đường, lo tăng đường huyết nên hạn chế ăn uống, chỉ ăn bữa chính với hai thìa cơm, nhiều rau, nhưng vẫn dùng liều thuốc insulin cũ. Bác sĩ Khuyên cho biết liều insulin và các loại thuốc viên hạ đường huyết khác được sử dụng để điều chỉnh đường huyết khi ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định. Người bệnh ăn kém, bỏ bữa, quên ăn... có nguy cơ cao hạ đường huyết.
Chị Liên được bù dịch, truyền đường, giúp đường huyết trở về mức ổn định. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh liều thuốc và thói quen sinh hoạt, lối sống... tránh tái phát hạ đường huyết. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe ổn định, chị xuất viện.
Đường huyết dưới 70 mg/dL là hạ đường huyết, tình trạng nặng khi dưới 50 mg/dL. Hạ đường huyết nặng không được xử lý kịp thời có thể gây tổn thương não. Ngoài ra, người bệnh bị đột quỵ giả do tăng hay hạ đường huyết có khả năng cao gặp một số vấn đề khác như té chấn thương, tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim cấp... Bệnh nhân tiểu đường cần dùng thuốc đúng liều và đủ lịch, theo dõi đường huyết thường xuyên, khi ốm hoặc ăn kém cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc phù hợp. Trường hợp đường huyết tăng cao trên 250 mg/dL, người bệnh cũng cần bác sĩ tư vấn cách dùng thuốc.
Đột quỵ giả có liên quan đến đường huyết ở người tiểu đường có thể phòng ngừa nhờ vào chế độ ăn điều độ và phác đồ điều trị phù hợp.