Giảm rủi ro nhờ mổ đục thủy tinh thể không dùng dao
Phẫu thuật đục thể thủy tinh sử dụng tia laser Femtosecond, không dùng dao vi phẫu, vừa triển khai tại Bệnh viện Mắt TP HCM giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng sau mổ.
"Công nghệ mới thực hiện hầu hết những công đoạn khó khăn cho phẫu thuật viên, giúp cuộc mổ an toàn, chính xác, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm biến chứng", BS.CK2 Nguyễn Thị Diễm Uyên, Trưởng Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP HCM, nói bên lề hội thảo ứng dụng tiến bộ mới trong điều trị đục thể thủy tinh, ngày 8/1. Dịp này, các chuyên gia nhãn khoa từ Singapore và Thụy Sĩ hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật mổ cho bác sĩ bệnh viện, thị phạm trên gần 20 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Uyên, đây là phương pháp phẫu thuật hoàn toàn "không sử dụng dao vi phẫu", còn được gọi Phaco laser. Kỹ thuật này sẽ lập trình tự động, định vị chính xác đường mổ và điều chỉnh năng lượng phù hợp, giảm tác động đến giác mạc xung quanh. Đồng thời, tia laser cũng giúp mở bao trước và phân tách nhân thành nhiều mảnh nhỏ một cách chính xác và an toàn. Tỷ lệ thành công có thể đạt hơn 98%, với thời gian phục hồi nhanh và xử lý được các ca phức tạp.
Theo ThS.BS CK2 Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện, trong tương lai bệnh viện sẽ đầu tư các kỹ thuật ít xâm lấn, giúp rút ngắn thời gian mổ, nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của bệnh nhân.
Đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực và mù lòa, thường gặp ở người trên 65 tuổi (chiếm 70%). Người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh do dùng thuốc sai cách, chấn thương mắt, mắc tiểu đường, hút thuốc lá hoặc không bảo vệ mắt trước tia cực tím.
Triệu chứng bệnh gồm nhìn mờ, nhạy cảm ánh sáng, giảm thị lực vào ban đêm, thay đổi cảm nhận về màu sắc. Đục thủy tinh thể có thể điều trị hiệu quả với phẫu thuật Phaco. Cần khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn và xử trí kịp thời.