Giảm mỡ nội tạng kiểm soát bệnh nền
Mỡ nội tạng tích tụ có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, tăng đề kháng insulin và phản ứng viêm gây tiểu đường, bệnh tim mạch, do đó giảm cân sẽ kiểm soát được bệnh nền.
Ngày 11/10, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết thông tin trên, dẫn chứng trong khoảng 150 người đến đơn vị này điều trị thừa cân, béo phì mỗi ngày thì hơn 70% có tình trạng dư thừa mỡ nội tạng.
Mỡ nội tạng là phần mỡ thừa tích tụ ở các cơ quan như ruột, dạ dày, gan, tuyến tụy, tim... Mỡ nội tạng có thể tác động lên cơ thể với nhiều cơ chế như tăng đề kháng insulin dẫn đến tăng đường huyết, thúc đẩy phản ứng viêm làm tăng tiết cytokine. Lượng mỡ dư thừa còn ảnh hưởng đến quá trình thải độc tố trong cơ thể, ức chế adiponectin hay hormone chất béo. Những tác động trên tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa, gout, hen suyễn, viêm xương khớp, tim mạch, đột quỵ... Đồng thời, chỉ số mỡ nội tạng cao khiến người bệnh gặp khó khăn khi kiểm soát các bệnh nền.
"Giảm mỡ nội tạng không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn hỗ trợ kiểm soát bệnh nền dễ dàng hơn", bác sĩ Hoàng nói.
Như anh Tùng, 37 tuổi, nặng 87 kg, cao 1,72 m, từng thử nhiều chế độ ăn kiêng nhưng cân nặng không giảm, đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám. Kết quả khám cho thấy chỉ số mỡ nội tạng của anh là 151,8 cm2 (chỉ số mỡ nội tạng cao trên 100 cm2 có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe). Theo bác sĩ Hoàng, đây cũng là nguyên nhân khiến anh rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ độ hai, rối loạn đường huyết, nguy cơ tiểu đường...
Dựa vào các thông số cơ thể như khối lượng mỡ và cơ toàn thân, khối lượng nước, tỷ lệ nước ngoại bào, bác sĩ lên phác đồ giảm cân riêng cho anh Tùng, phối hợp điều trị bệnh nền nhằm ngăn tình trạng tiến triển. Sau ba tháng, anh giảm được 12 kg, chỉ số mỡ nội tạng giảm từ 151,8 cm2 xuống còn 95 cm2, về mức an toàn. Anh hết tăng huyết áp và rối loạn đường huyết, gan nhiễm mỡ giảm từ độ hai xuống độ một.
Tương tự, chị Dung, 42 tuổi, cao 1,6 m, nặng 109 kg, chỉ số mỡ nội tạng cao 182 cm2, đau hai khớp gối, gan nhiễm mỡ độ ba, rối loạn đường huyết, ngưng thở khi ngủ... Sau 8 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị giảm 20 kg, chỉ số mỡ nội tạng giảm xuống còn 124 cm2, khỏi bệnh gan nhiễm mỡ và rối loạn đường huyết, không còn đau khớp gối hay ngáy ngủ, ngon giấc hơn.
Phần lớn người thừa cân, béo phì thường có chỉ số mỡ nội tạng cao. Một số ít người không thừa cân có thể gặp tình trạng thừa mỡ nội tạng do thói quen uống nhiều rượu bia, rối loạn chuyển hóa, một số thuốc, bệnh nội tiết.
Để biết người bệnh có dư thừa mỡ nội tạng, bác sĩ thường chỉ định thực hiện các xét nghiệm đánh giá mỡ nội tạng như chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), phân tích kháng điện sinh học (BIA), đo Inbody... Trong đó, đo Inbody là phương pháp đơn giản, cho kết quả 50 chỉ số cơ thể như khối lượng mỡ, cơ toàn thân, mỡ nội tạng, khối lượng nước, tỷ lệ nước ngoại bào, và các chỉ số khác như protein, chất khoáng... Thời gian thực hiện trong khoảng hai phút. Dựa trên nguyên nhân, bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị cá thể hóa phù hợp.
Bác sĩ Hoàng cho biết để giảm mỡ nội tạng, giảm cân hiệu quả, đẩy lùi bệnh nền, người bệnh cần có phác đồ phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể gọi là cá thể hóa. Điều trị thừa cân, giảm mỡ cần sự hỗ trợ của các công nghệ cao, kết hợp vận động và dinh dưỡng tối ưu. Điều trị thừa cân không phải chuyện "ngày một ngày hai mà cả một quá trình", bác sĩ Hoàng nói, khuyến cáo người bệnh không nên tự giảm cân bằng cách nhịn ăn cực đoan, uống thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, hút mỡ và phẫu thuật tại các cơ sở chưa được cấp phép.