Giảm 22 kg trong 10 tháng
TP HCMAnh Bình, 32 tuổi, cao 1,6 m, sau 10 tháng điều trị béo phì, giảm 22 kg còn 85 kg, cải thiện tình trạng đau đầu gối, hết gan nhiễm mỡ.
Anh Bình tăng 42 kg trong chưa đầy một năm (từ 65 kg lên 107 kg), đầu gối, vai gáy thường xuyên đau nhức, khó thở khi leo cầu thang. Để giảm cân, anh ăn kiêng khắt khe, sử dụng thực phẩm chức năng. Anh đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, đo chỉ số cơ thể Inbody cho thấy béo phì độ ba, BMI 41,8, kết quả xét nghiệm bị rối loạn mỡ máu, tiền tiểu đường, gan nhiễm mỡ độ ba.
Ngày 28/9, thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết tình trạng béo phì nặng làm tăng áp lực lên xương khớp, khiến anh Bình đau nhức khớp gối và hạn chế khả năng vận động. Nguyên nhân gây béo phì thường chia ra ba nhóm gồm môi trường, di truyền và bệnh nội tiết. Trường hợp anh Bình phần nhiều do yếu tố môi trường, trong đó chủ yếu là chế độ dinh dưỡng thừa năng lượng, làm việc 12-16 tiếng mỗi ngày nên anh không có thời gian vận động, thường uống nước ngọt.
Các bác sĩ đặt ra mục tiêu giúp anh Bình giảm cân song song kiểm soát bệnh nền. Ba tháng đầu, anh phải giảm ít nhất 5-10% cân nặng (khoảng 5-10 kg). Một tháng đầu tiên giảm cân, anh tuân theo hướng dẫn bác sĩ như sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân, tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, cân nặng không thay đổi nhiều. Lo người bệnh nản lòng, bác sĩ thường xuyên giải thích, động viên. Tháng thứ hai, anh đạt được mục tiêu giảm 5% cân nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, lưu ý người bệnh cần giảm cân từ từ, đều đặn, nếu giảm quá nhanh sẽ không bền vững, dễ tăng cân trở lại.
Suốt 10 tháng, mỗi tháng một lần anh Bình từ Campuchia về Việt Nam điều trị béo phì. Đến tháng thứ 10, anh giảm đến 22 kg, béo phì độ ba xuống béo phì độ một, gan không còn nhiễm mỡ, đỡ đau khớp, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng bởi béo phì như tim mạch, tiểu đường... Mục tiêu của anh là giảm còn 70 kg.
Theo bác sĩ Trâm, điều trị béo phì cần cá thể hóa tùy thuộc vào tình trạng cân nặng ban đầu, nguyên nhân bệnh, các bệnh kèm theo, thói quen sinh hoạt, tính chất công việc của người bệnh... Điều trị khoa học, đa mô thức gồm điều trị thuốc giúp kiểm soát sự thèm ăn, ăn nhanh no, tư vấn thay đổi lối sống lành mạnh, tăng hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý hành vi... Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho người béo phì điều trị khi các phương pháp trên không hiệu quả.
Béo phì là tình trạng bệnh mạn tính, đặc trưng bởi sự tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức, liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa. Béo phì vừa là một yếu tố nguy cơ, vừa là bệnh lý. Người bệnh cần được khám toàn diện nhằm phát hiện, phòng ngừa và điều trị sớm các biến chứng.