Giảm 12 kg sau sinh, người mẹ khỏi trầm cảm
Hà NộiChị Hồng, 31 tuổi, thai kỳ tăng 20 kg, sau sinh giảm 12 kg và cải thiện được nhiều chỉ số như gan mỡ máu, men gan, đồng thời ngưng dùng thuốc trầm cảm.
Khi đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Hồng nặng 79 kg, cao 1,55 m, đã sinh con ba tháng. Chị gặp nhiều vấn đề sức khỏe như rối loạn kinh nguyệt, chất lượng giấc ngủ kém, ngáy to, mệt mỏi. Các chỉ số đường huyết, mỡ máu, men gan của chị tăng cao, BMI 32,9 tương đương mức béo phì độ một, tiền đái tháo đường.
Ngày 11/1, TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết chị Hồng có dấu hiệu ảnh hưởng của béo phì rõ ràng như móng tay có sọc dọc biểu hiện tổn thương gan, lượng mỡ tập trung nhiều ở phần cổ khiến đường thở bị chèn ép gây ngưng thở khi ngủ. Người bệnh còn có nhân tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, cao huyết cao, viêm đa khớp.
Bác sĩ tư vấn chị Hồng áp dụng chế độ vận động và dinh dưỡng riêng do mắc nhiều bệnh nền khiến thể lực kém. Bác sĩ cân đối liều lượng thuốc để đảm bảo ổn định nội tiết, kiểm soát đồng thời tình trạng suy tuyến thượng thận. Song song với giảm cân, chị Hồng điều trị bằng thuốc tại chuyên khoa Tâm thần kinh nhằm giữ tinh thần ổn định, kiểm soát trầm cảm.
Sau ba tháng, chị Hồng giảm 12 kg, chỉ số khối mỡ giảm. Các chỉ số xét nghiệm máu cải thiện, đường máu từ 6,9 còn 4,9, đánh giá chức năng gan AST từ 98,8 giảm còn 20,4. Chỉ số chất béo trung tính (triglyceride) còn 2,38, trước đó là 3,42. Sức khỏe tinh thần cải thiện, chị ngừng dùng thuốc điều trị trầm cảm. Chị tiếp tục điều trị theo phác đồ giảm cân, đặt mục tiêu cân nặng dưới 60 kg, đưa chỉ số BMI về mức bình thường.
Tăng cân sau sinh là tình trạng phổ biến. Sau sinh, người mẹ bận rộn với công việc chăm sóc con nên ít có thời gian vận động, chăm sóc cơ thể khiến việc giảm cân gặp nhiều khó khăn. Quá trình mang thai và sinh con cũng tác động tới nội tiết, khiến người mẹ nhạy cảm, dễ nảy sinh trạng thái căng thẳng, trầm cảm. Trong khi đó, trầm cảm làm tốc độ chuyển hóa năng lượng giảm, cơ thể dễ tích trữ calo hơn. Stress gây mất ngủ, làm tăng cảm giác đói qua kích thích hormone ghrelin và giảm hormone leptin, làm tăng cân nhanh. Hai vấn đề tạo thành vòng lặp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ sau sinh, theo bác sĩ Ngọc.
Phụ nữ mang thai nên kiểm soát tốt cân nặng thời kỳ này. Sau sinh, phụ nữ không nên giảm cân nóng vội, cần kiên trì kết hợp nhiều biện pháp để tránh áp lực, ảnh hưởng tinh thần. Sau sinh hai tháng, người mẹ có thể tăng cường tập thể dục, sau 6 tháng có thể áp dụng các phương pháp giảm cân. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể phương pháp giảm cân dựa trên tình trạng sức khỏe của bản thân, nhất là người có bệnh nền.