Giai đoạn vàng nào quyết định chiều cao của trẻ?
Kết thúc giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, trẻ có thể đạt được 50% chiều cao khi trưởng thành, do đó các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung các vi chất cần thiết.
Thông tin được TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nêu tại hội thảo khoa học Vai trò của vitamin D3 và K2 hỗ trợ cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em, ngày 6/11, tại Hà Nội. Đây là dịp các chuyên gia, bác sĩ đưa ra những khuyến nghị mới nhất liên quan đến vitamin thiết yếu trong quá trình tăng trưởng chiều cao.
TS Sơn cho biết yếu tố đầu tiên quyết định chiều cao của trẻ là di truyền, chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Để thu hẹp khoảng cách chiều cao người Việt với các nước, ngoài yếu tố gene, cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ cho trẻ.
Tầm vóc của con người ảnh hưởng mạnh nhất là ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (9 tháng mang thai và hai năm đầu đời), giai đoạn tiền học đường và dậy thì, theo TS Sơn. Cụ thể, giai đoạn thai kỳ, trẻ phát triển từ 0 lên tới 50 cm chỉ trong 9 tháng, đây là giai đoạn phát triển chiều cao nhanh nhất. Năm đầu tiên sau sinh, chiều cao của trẻ tăng trung bình 25 cm. Năm thứ hai, trẻ tiếp tục tăng thêm khoảng 12,5 cm.
Khi kết thúc giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, trẻ có thể đạt được 50% chiều cao trưởng thành. Nếu trong giai đoạn này, trẻ không nhận đủ các vi chất thiết yếu, chiều cao sẽ khó bù đắp hoàn toàn trong những năm tiếp theo. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao giảm xuống và chỉ có một đợt tăng mạnh ở tuổi dậy thì trước khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và kết thúc vào khoảng năm 19 tuổi.
"Như vậy, thành quả của tăng tốc chiều cao là của một quá trình can thiệp sớm, lâu dài và bền vững, can thiệp cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi để phục hồi chiều cao càng sớm càng tốt và mang tính liên tục", TS Sơn nói.
Kết quả khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2020 ghi nhận chiều cao của nam giới đạt 168,1 cm và nữ 156,2 cm. So với 10 năm trước, nam thanh niên tăng 3,7 cm, còn nữ tăng 2,6 cm. So với các nước Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trước đây 10 năm, người Việt đứng gần thấp nhất trong khu vực, chỉ nhỉnh hơn người Indonesia và Philippines.
Nhiều người quan niệm Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều ánh nắng, trẻ em không bị thiếu vitamin D nên không cần bổ sung. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2022 tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy có tới hơn 50% trẻ sơ sinh thiếu vitamin D, theo ông Sơn. Vì vậy, ngoài tắm nắng đúng cách, cần bổ sung vitamin D từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày và các chế phẩm bổ sung. Vitamin D giúp hấp thụ canxi hiệu quả, thiếu hụt chất này sẽ dẫn tới còi xương ở trẻ.
Ngoài vitamin D, vitamin K2 cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển xương và điều hòa chuyển hóa canxi trong cơ thể. Sự kết hợp của 2 loại vitamin K2 và D3 có thể hỗ trợ hấp thu canxi vào xương, giúp tăng cường mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương, đồng thời giảm tình trạng lắng đọng canxi tại các mạch máu, mô mềm, nhằm cải thiện, tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.
Vitamin D có nhiều trong các loại thực phẩm như: dầu cá, gan, lòng đỏ trứng, bơ và sữa... Còn vitamin K2 có nhiều trong các thực phẩm lên men như phô mai và đặc biệt là natto (đậu nành lên men của Nhật). Ngoài ra, trong thịt gà, lươn cũng chứa vitamin K2.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cũng cho biết Việt Nam có khoảng 18% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt vitamin D ở trẻ em vẫn phổ biến và đang ảnh hưởng không tốt đến phát triển chiều cao của trẻ em. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý dinh dưỡng và bổ sung vitamin giúp trẻ tăng trưởng tốt.