Gánh nặng chăm bạn đời mắc bệnh tâm thần
Hà NộiLiên tiếp bị chồng kéo dậy lúc nửa đêm sau đó bạo hành thể chất và tinh thần, Vy, 36 tuổi, buộc phải đưa bạn đời vào bệnh viện tâm thần.
"Đây là lựa chọn tốt nhất cho anh ấy và cả gia đình. Tôi muốn được sống một cuộc sống bình thường, dù điều đó thật đau đớn và ích kỷ", Vy bộc bạch hôm 3/12.
Người phụ nữ ở Thanh Trì nói cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi có người chồng mắc tâm bệnh. Năm 2022, khi chồng cô tâm sự đau đầu, có nhiều tiếng nói cười nhạo, chỉ trích bên tai, Vy chỉ nghĩ do áp lực công việc. Sau đó là những chuỗi ngày cô thường xuyên bị chồng kéo dậy giữa đêm, cấu véo, gào thét: "Có ma", "Cô vừa làm gì khi tôi đang ngủ?", khiến gia đình hoảng loạn. Có khi anh chạy quanh, lục tung nhà tìm kiếm những đồ vật nguy hiểm và la hét.
Vy ép chồng đi khám nhưng thất bại, anh kiên quyết nói: "Không có bệnh", nhưng lúc nào cũng sợ sệt, bịt tai, ngồi thu mình, đối thoại với những ảo thanh. Người phụ nữ gửi các con về nhà ngoại, xin nghỉ làm để ở bên chồng 24/24h, đi theo những lúc bạn đời lang thang ngoài đường.
Gắng gượng một thời gian nhưng sức khỏe chồng không tiến triển, kinh tế và sức lực cạn kiệt, Vy kêu cứu người nhà, cùng đưa bạn đời vào viện tâm thần điều trị, vào tháng 11 năm nay.
Cùng cảnh ngộ, Hoa, 37 tuổi, nói "từng nghĩ đến ly hôn để giải thoát, hoặc là gửi vào bệnh viện lâu dài", sau 5 năm sống cùng người chồng bị tâm thần phân liệt. Từ khi bạn đời phát bệnh, cô chưa một lần dám bỏ mặc anh quá một ngày, cũng là bắt đầu quãng thời gian mất ngủ triền miên và phải tập chợp mắt với ánh đèn sáng.
Chồng cô thi thoảng lên cơn điên loạn, đập phá đồ đạc, bạo hành vợ con cả về thể chất lẫn tinh thần. Người phụ nữ vừa chăm con, vừa chăm chồng, lại thêm kinh tế khó khăn khiến cô chán nản nhưng vẫn phải cam chịu gồng gánh số phận.
Hồi tháng 10, Hoa xuất hiện những ý nghĩ muốn tự sát sau một thời gian mất ngủ, buồn bã, không hứng thú với cuộc sống. Khám tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, bác sĩ chẩn đoán Hoa mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cấp tính, yêu cầu nhập viện điều trị nội trú.
Các chuyên gia nhìn nhận rối loạn tâm thần phân liệt là bệnh nghiêm trọng, tạo ra thách thức cho người chăm sóc. Nghiên cứu do giáo sư Jonathan Flint của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà khoa học ở Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và Trung Quốc thực hiện trên 10.500 phụ nữ Trung Quốc chỉ ra những người có người thân (vợ chồng, ông bà, cha mẹ, anh chị em) từng bị tâm thần đối mặt nguy cơ mắc các bệnh liên quan cao gấp 3 lần người bình thường.
Nghiên cứu bởi tiến sĩ Gerald Haeffel và Jennifer Hames, Đại học Notre Dame ở Indiana, kết luận một người khi bị rối loạn tâm thần như trầm cảm có thể lây lan tới những người xung quanh. Họ lý giải khi bạn dành nhiều thời gian với một người có thái độ sống tiêu cực, bi quan thì nhận thức, suy nghĩ của họ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của bạn. Theo thời gian, bạn cũng dễ bị tổn thương và trầm cảm hơn.
Tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người nhà bị ảnh hưởng tâm lý, song các bác sĩ nhận định tỷ lệ này ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, nhận định bệnh tâm thần một phần do yếu tố di truyền, hoặc do tác động môi trường. Quá trình chăm sóc, người nhà bị tiếp nhận nguồn năng lượng tiêu cực, luôn trong trạng thái căng thẳng. Một số trường hợp không thừa nhận bệnh tật, luôn khước từ hoặc chửi bới, bạo hành người chăm sóc, khiến họ mệt mỏi, chán nản.
"Người chăm sóc chịu áp lực tinh thần nhưng không thể chia sẻ hoặc không có các nguồn lực giúp đỡ kịp thời, sức khỏe tâm thần xấu đi, nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu", bác sĩ nói.
Ngoài gánh nặng tâm lý, bạn đời của bệnh nhân tâm thần còn phải đối mặt gánh nặng tài chính khi trở thành trụ cột chính của gia đình. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên các rối loạn thể chất, tinh thần cho người chăm sóc.
Áp lực từ các định kiến xã hội, coi gia đình có người điên là "đáng xấu hổ", "tránh voi chả xấu mặt nào" cũng khiến người nhà đơn độc trong hành trình chữa bệnh. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nói nhiều quan điểm cho rằng chăm sóc một người tâm thần "thật vô ích", "bệnh sẽ không bao giờ khỏi", nên nhiều gia đình cũng buông xuôi trong cuộc chiến này.
Các bác sĩ cho rằng chăm sóc sức khỏe bản thân khi sống cùng người tâm thần rất quan trọng. Bạn nên giữ khoảng cách khi cần thiết, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia, và duy trì các hoạt động giúp giảm căng thẳng như tập thể dục, thiền, chánh niệm hoặc sở thích cá nhân. Quan sát cẩn thận tình trạng cảm xúc của bản thân, nếu cảm thấy quá tải, hãy tìm đến sự trợ giúp chuyên môn.
Ngoài ra, bạn nên đọc sách, tham gia khóa học hoặc tìm hiểu thêm về sức khỏe tâm thần để có cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng của người thân và cách hỗ trợ họ.
Một giải pháp khác là gia đình trị liệu - hình thức tư vấn tâm lý giúp các thành viên cải thiện giao tiếp và giải quyết xung đột. Bác sĩ tâm thần cùng chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ vấn đề mà các thành viên gặp phải, điều trị thông qua thuốc, tư vấn hoặc tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu gia đình phức tạp, khó thành một mô hình dịch vụ bài bản. Hơn nữa, nhiều gia đình không đủ nguồn lực để chi trả.
"Mỗi người cần tự chăm sóc mình, cởi mở chia sẻ vấn đề của bản thân, tìm sự trợ giúp lập tức khi cảm thấy không ổn, tránh giấu bệnh khiến khi phát hiện tình trạng đã trở nặng", bác sĩ Thu khuyên.