Gan hỏng do bỏ điều trị
Quảng NinhBỏ điều trị viêm gan B hơn một năm, người đàn ông 41 tuổi bị suy kiệt sức khỏe, suy gan cấp, nguy cơ tử vong 80 % nếu không ghép gan.
Ngày 2/12, bác sĩ Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết người bệnh bị suy gan cấp không thể hồi phục, nguy cơ tử vong lên đến 80%.
Bệnh nhân mắc viêm gan B, song bỏ điều trị gần một năm. Khi nhập viện, người bệnh mệt mỏi, ăn uống kém, thể trạng suy nhược, sụt cân, da sạm đen, màu mắt vàng sậm, cổ trướng, phù hai chi dưới. Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan suy giảm nhanh trên nền bệnh xơ gan, đái tháo đường.
Sau hội chẩn, bác sĩ đưa ra giải pháp huyết tương và chờ ghép gan, "song hy vọng rất mong manh khi nguồn hiến tạng còn hạn chế và chi phí rất cao". Các bác sĩ quyết định dùng thuốc cải thiện và phục hồi chức năng gan, mục tiêu "còn nước, còn tát".
Sau 5 tháng, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, các chỉ số xét nghiệm men gan bình thường ổn định, chức năng gan phục hồi tốt.
Theo bác sĩ, suy gan cấp do viêm gan B là tình trạng gan bị tổn thương nghiêm trọng và mất chức năng đột ngột. Bệnh nhân phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như rối loạn đông máu, hội chứng não gan, hội chứng gan thận, hôn mê gan, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... Tỷ lệ tử vong trong 28 ngày đầu dao động từ 30-50%, trong vòng 90 ngày tỷ lệ tử vong lên tới 60-80% nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả.
Hiện, Khoa Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy đang điều trị ngoại trú cho hơn 1000 viêm gan B mạn tính, tỷ lệ bệnh nhân viêm gan B cấp tính tiến triển thành suy gan cấp khoảng 0,1-0,5 %.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và gần một triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong khi các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, tỷ lệ này rất thấp nhờ chiến dịch tiêm phòng hàng chục năm qua.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe, tái khám định kỳ, thực hiện xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đo tải lượng virus viêm gan B để tầm soát bệnh. Bệnh nhân viêm gan virus B cần điều trị lâu dài, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thực hiện lối sống khoa học, cân bằng dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm nhiều chất xơ, tránh các thực phẩm gây hại cho gan. Không dùng thuốc bổ gan không rõ nguồn gốc.