Gan hết nhiễm mỡ nhờ chạy bộ
Hà NộiAnh Lực, 41 tuổi, gan nhiễm mỡ độ hai, men gan tăng, rối loạn mỡ máu, sau một năm điều chỉnh lối sống, chạy bộ đều đặn, các chỉ số về bình thường.
Khám sức khỏe cuối năm ngoái tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh Lực còn bị thừa cân, tiền đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Anh cho biết thường xuyên uống rượu bia, ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, ít vận động. Ngày 15/12, thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho hay thói quen, lối sống kém lành mạnh của anh Lực làm giảm tốc độ trao đổi chất gây bệnh gan nhiễm mỡ và nhiều thay đổi bất lợi trong cơ thể.
Gan nhiễm mỡ độ hai là mức độ trung bình, lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 10-25%, thường chưa có biểu hiện rõ nên chỉ phát hiện qua khám định kỳ. Dù chưa nguy hiểm nhưng nếu không điều trị gan nhiễm mỡ có nguy cơ tiến triển nặng hơn như viêm gan, xơ gan. Bác sĩ tư vấn anh Lực điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ biến chứng.
Suốt một năm từ ngày nhận chẩn đoán, anh chạy bộ 30-60 phút mỗi ngày, cảm thấy vui vẻ, ngủ ngon hơn, ăn uống ngon miệng. Tái khám hồi tháng 12, chức năng gan, đường máu, sức khỏe của anh ổn định hơn, siêu âm gan không còn nhiễm mỡ.
Bác sĩ Tiến cho biết anh Lực và nhiều người bệnh gan nhiễm mỡ khám, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện Tâm Anh thường ăn uống kém lành mạnh, nhiều chất béo gây tăng men gan, căng thẳng, nghỉ ngơi chưa hợp lý.... "Gan nhiễm mỡ độ hai có thể hết nhờ cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng, kiên trì tập luyện thể thao theo tư vấn của bác sĩ mà chưa cần dùng đến thuốc", bác sĩ Tiến nói, thêm rằng điều chỉnh lối sống là yếu tố tiên quyết để cải thiện các chỉ số sức khỏe trong trường hợp này.
Bác sĩ Tiến giải thích tập thể dục thể thao làm giảm lượng mỡ trong gan nhờ ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, ổn định chuyển hóa axit béo ở gan, hạn chế phản ứng viêm. Chạy bộ thường xuyên còn làm tăng quá trình oxy hóa axit béo, giảm quá trình tổng hợp axit béo, hạn chế tổn thương tế bào gan. Người hoạt động thể chất đều đặn, an toàn còn giảm mỡ tạng, kiểm soát đường huyết tốt hơn, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Chạy bộ hay các bài tập thể chất khác không chỉ cải thiện chức năng gan, tốt cho tiêu hóa mà còn thúc đẩy cơ thể giảm sản xuất hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline, đồng thời tiết ra hormone hạnh phúc, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch...
Bác sĩ Tiến khuyến cáo người bệnh tiêu hóa, có bệnh nền như anh Lực cần theo dõi sức khỏe, duy trì tập thể dục thể thao phù hợp. Người trưởng thành khỏe mạnh nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh mỗi tuần.