Dưỡng thai nhẹ cân chờ sinh thường an toàn
HÀ NỘIChị My, 45 tuổi, bị tiểu đường thai kỳ nặng, phải tiêm insulin kiểm soát đường huyết kết hợp ăn kiêng để giữ cân nặng của thai nhi phù hợp sinh thường an toàn.
Chị My từng mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm (IVF) sau 12 năm hiếm muộn, song bị tiểu đường thai kỳ nên sinh non khi 26 tuần, bé mất.
Lần mang thai IVF này, đến tuần thứ 19 thì chị My phát hiện tiểu đường thai kỳ. Ngày 29/5, ThS.BS Sao Hieng, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hai yếu tố khiến chị My tăng nguy cơ mắc bệnh là mang thai khi lớn tuổi và tiền sử trước đó.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose phổ biến ở Việt Nam. Khoảng hơn 20% thai phụ gặp phải tình trạng này. Tiểu đường thai kỳ làm tăng khả năng viêm nhiễm phụ khoa, nguy cơ nhiễm trùng, yếu tố tiềm ẩn gây sảy thai, sinh non. Chỉ số đường huyết tăng cao, chị My được điều trị insulin đường tiêm hàng ngày để kiểm soát bệnh.
Bác sĩ phát hiện thai phụ bị tụt cổ tử cung, nguy cơ sảy thai cao. Cổ tử cung khi phụ nữ mang thai khoảng 30-50 mm, có xu hướng mở dần (ngắn lại) ở những tháng cuối thai kỳ theo sinh lý chuyển dạ, chuẩn bị cho cuộc đẻ. Một số thai phụ gặp tình trạng tụt cổ tử cung sớm (chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm) tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Theo bác sĩ Sao Hieng, nguyên nhân chị My bị tụt cổ tử cung là do có tiền sử sinh non, lớn tuổi khiến cơ cổ tử cung suy yếu. Bác sĩ khâu cổ tử cung cho chị, thai nhi tạm thời thoát khỏi nguy cơ dọa sảy, tình trạng tiểu đường thai kỳ được kiểm soát tốt. Chị My được xuất viện, theo dõi thai tại nhà.
Gia đình lo thai chậm lớn do người mẹ nằm viện dài ngày, điều trị bằng thuốc, nên cố gắng tẩm bổ khiến cân nặng tăng nhanh. Một tháng sau, chị My ra máu bất thường, dọa sảy, phải tiếp tục nhập viện. Lúc này, chị tăng hơn 3 kg so với tháng trước, thai 24 tuần đa ối mức độ nhẹ. Cân nặng của mẹ bầu tăng nhanh kéo theo nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường, sinh mổ, sinh non...
Bác sĩ Sao Hieng cho biết thai phụ khỏe mạnh cần tăng khoảng 5 kg trong
tháng giữa thai kỳ, tương đương 1,5 kg mỗi tháng.
Bác sĩ khuyên chị My hạn chế tối đa lượng tinh bột, phác đồ này hỗ trợ giảm tiểu đường thai kỳ tiến triển, giảm các nguy cơ trong thai kỳ. Bác sĩ điều chỉnh thực đơn theo số cân nặng thực tế của mẹ và bé, chủ động giữ thai nhi nhẹ cân, tránh tụt cổ tử cung, hạn chế nguy cơ sinh non và đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho việc sinh thường.
"Thai nhẹ cân không đồng nghĩa với chậm phát triển", bác sĩ Sao Hieng nói, thêm rằng chỉ số đánh giá phát triển thai nhi bao gồm nhiều yếu tố chu vi đầu, chiều dài đầu - mông, chu vi vòng bụng, chiều dài tay chân... Nếu các chỉ số này tăng trưởng đều qua từng tuần, thai nhi vẫn phát triển khỏe mạnh.
Bác sĩ siêu âm thai, theo dõi chỉ số phát triển thai nhi hàng tuần, đánh giá bé phát triển tốt dù nhẹ cân. Cuối tháng 4, chị My chuyển dạ khi thai hơn 37 tuần và thuận lợi sinh thường. Bé gái nặng 2,5 kg khỏe mạnh.
"Thai IVF, từng mổ lấy thai, tiểu đường thai kỳ vẫn có thể sinh thường khỏe mạnh nếu có kế hoạch theo dõi thai và chuẩn bị tốt", bác sĩ Sao Hieng nói. Tại bệnh viện Tâm Anh, phụ nữ mang thai nhờ IVF được theo dõi tới tuần 12 trước khi chuyển sang theo dõi sản khoa. Nhờ đồng bộ theo dõi quá trình IVF và chăm sóc thai kỳ ban đầu, bác sĩ sản có thể chủ động đánh giá nguy cơ thai kỳ, chuẩn bị tốt cho kế hoạch sinh nở.