Đông cứng vai cảnh báo viêm khớp
Đau và khó cử động vai có thể là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng.
ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đông cứng khớp vai xảy ra khi mô sẹo hình thành xung quanh khớp. Lúc này bao khớp vai dày lên, cứng và căng hơn, khiến vai khó cử động, nếu cử động được thì rất đau.
Đông cứng khớp vai thường được chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn đóng băng kéo dài 6-9 tháng. Lúc này, cơn đau tăng dần theo thời gian, đau nhiều hơn vào ban đêm, có thể làm người bệnh thức giấc khi ngủ. Phạm vi chuyển động của vai bị giới hạn, không còn dẻo dai và linh hoạt như trước, đôi khi gây đau dữ dội khi cử động vai.
Giai đoạn đông cứng kéo dài khoảng 4-12 tháng. Cơn đau có thể giảm đi đôi chút nhưng tình trạng cứng khớp nghiêm trọng hơn. Các cơ vai cũng bị teo nhẹ do ít vận động. Do đó, cử động vai càng khó khăn, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng nhiều.
Giai đoạn tan băng có thể mất 6 tháng đến 2 năm. Trong giai đoạn này, phạm vi chuyển động của vai dần cải thiện, trở lại trạng thái bình thường. Nhìn chung, người bệnh thường mất 3-4 năm để phục hồi.
Bác sĩ Tuệ cho biết dù đông cứng vai có thể tự khỏi nhưng tầm vận động khớp vai không được hồi phục hoàn toàn. Trong thời gian mắc bệnh, người bệnh đau nhiều và gặp khó khăn khi thực hiện các động tác thường ngày như cởi áo, chải tóc, cởi dây áo lót, gãi lưng... Tùy vào tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp với mục tiêu kiểm soát cơn đau, cải thiện khả năng vận động của khớp vai.
Dùng thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm ở vai. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn. Người bệnh có thể được chỉ định tiêm corticosteroid hoặc dịch làm căng khớp để giảm đau, mở rộng phạm vi chuyển động của vai.
Vật lý trị liệu với các bài tập được thiết kế riêng, giúp kiểm soát cơn đau, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Các bài tập còn cải thiện sức mạnh chi trên, nhất là các nhóm cơ liên quan đến sự hoạt động của khớp vai. Trước khi tập, người bệnh có thể chườm ấm để làm mềm cơ và chườm mát sau tập để giảm đau.
Phẫu thuật được chỉ định khi tất cả phương pháp điều trị trên không hiệu quả. Người bệnh được giải phóng mô sẹo bằng cách phẫu thuật nội soi khớp vai, trả lại độ linh hoạt và phạm vi cử động cho vai. Phẫu thuật nội soi nên hạn chế được tổn thương mô mềm và các thành phần khác xung quanh khớp vai. Nhờ đó, người bệnh ít đau, ít mất máu, phục hồi nhanh hơn. Sau phẫu thuật, người bệnh tập phục hồi chức năng giúp cải thiện khả năng vận động của khớp vai.
Theo bác sĩ Tuệ, đông cứng khớp vai nếu không được điều trị vẫn có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thậm chí sau vài năm, tầm vận động của khớp vai không thể khôi phục hoàn toàn và vẫn còn cứng vai. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, đi khám khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh