Đi cấp cứu sau khi thường xuyên uống giảo cổ lam, cà gai leo
Người phụ nữ trẻ đã phải cấp cứu sau gần 1 năm uống trà thải độc từ cây an xoa, giảo cổ lam, cà gai leo.
Chị B.T.Q (34 tuổi trú tại Hòa Bình) phải đi cấp cứu vì suy gan cấp. Từ tháng 8/2023, chị Q. đi khám bệnh phát hiện bị viêm gan B. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng virus uống định kỳ nhưng người phụ nữ này không làm theo và chuyển sang uống trà thải độc từ cây giảo cổ lam, cà gai leo, an xoa.
Tháng 9, chị Q. xuất hiện tình trạng mệt mỏi, ăn kém, vàng da phải vào bệnh viện khám, nhận chẩn đoán suy gan cấp. Sau 5 ngày điều trị, chị Q. không thuyên giảm bệnh nên bác sĩ đã chuyển người phụ nữ này tới Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)
Tại đây, bác sĩ cho biết gan của bệnh nhân chỉ còn 49% chức năng, vàng da và mắt tăng 20 lần. Sau 20 ngày, tình trạng gan đã được cải thiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh, không có triệu chứng nên dễ chủ quan khiến bệnh sẽ tiến triển nặng. Khi bác sĩ chẩn đoán viêm gan, người bệnh cần tuân thủ lịch khám định kỳ, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan và ung thư.
Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng virus giúp ức chế virus viêm gan B. Có nhiều thuốc khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể. Bệnh nhân tuyệt đối không bỏ thuốc và chuyển sang uống các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Huy khuyến cáo người dân nghi ngờ mắc viêm gan B đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm HBsAg. Nếu HBsAg dương tính nghĩa là họ đã mắc viêm gan B, cần đi kiểm tra tình trạng bệnh tại chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật theo hẹn của bác sĩ.