Đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 40% với nước ngọt
Đánh giá dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 10% đối với nước giải khát có đường là chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị áp mức 40%.
Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến tháng 10 lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml là 10%.
Theo Bộ Tài chính, đây là mặt hàng mới được đề xuất bổ sung vào diện chịu thuế nên họ đề xuất mức 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại có lượng đường thấp, nâng nhận thức, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.
"Việc mở rộng phạm vi để bao trùm đầy đủ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng, lý lẽ thuyết phục phù hợp với điều kiện của Việt Nam", Bộ Tài chính nêu.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với các mặt hàng trên. "Mức 10% chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng", bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nói, nêu ví dụ sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/1 chai, giá bán là 10.500 đồng/1 chai sau khi áp thuế 10%.
Tương tự, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng, nhập khẩu phải là 40%. Giải pháp này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức HealthBridge Cananda và WHO chỉ ra, nếu áp dụng mức thuế trên, thu ngân sách là khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng. Còn nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Đại học Y tế Công cộng cũng ước tính mức thuế suất 40% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được hơn 81.000 ca đái tháo đường type 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu USD chi phí y tế.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, cũng cho biết cơ quan y tế Liên Hợp Quốc khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét đưa ra lộ trình tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đến năm 2030 là 40% nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này.
Số lượng quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng nhanh trong 15 năm qua, từ 35 quốc gia (năm 2009) lên 104 quốc gia (2023), trong đó, có 6 quốc gia ở Đông Nam Á, bao gồm: Thái Lan, Philippines, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei.
Ở Thái Lan, sau 2 năm thực hiện chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, mức tiêu thụ mặt hàng này hàng ngày trung bình đã giảm gần 3%; mức tiêu thụ nước có gas giảm tới gần 18% . Ở Mexico, mức tiêu thụ đồ uống có đường giảm 6% trong năm đầu tiên (2014) và giảm 10% ở năm tiếp theo.
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng mạnh trong các năm qua. Tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ nhiều nước giải khát - loại đồ uống có đường phổ biến nhất, được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em. Từ đó tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong.
Bộ Y tế cũng đang đề xuất tăng thuế rượu bia ít nhất 10% và tăng thuế thuốc lá để hạn chế người hút, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.