Đầy bụng, chậm tiêu - dấu hiệu mơ hồ của ung thư dạ dày
Bị đầy bụng, trào ngược, ông Oanh, 60 tuổi, chỉ mua thuốc tự uống. Khi sút cân, kèm đau ông mới đến viện khám thì phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
Ngày 9/8, bác sĩ Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết trường hợp trên được nội soi dạ dày, sinh thiết, cho kết quả ung thư biểu mô dạ dày giai đoạn tương đối muộn. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt một phần dạ dày và vét hạch.
Đây chỉ là một trong nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn muộn mà bác sĩ Hà tiếp nhận.
"Nhiều người biểu hiện triệu chứng rất lâu nhưng không đến cơ sở y tế khám để phát hiện sớm ung thư", bác sĩ Hà nói và thêm rằng việc điều trị ở giai đoạn muộn khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Cụ thể, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày trên 100.000 dân ở nam giới là 12, trong khi ở nữ là 9. Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, trước đây bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay mới 30 tuổi đã phải mổ ung thư dạ dày.
"Không ít người trẻ tình cờ phát hiện ung thư dạ dày dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ", bác sĩ Hà nói. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm vẫn rất thấp, dẫn đến số người được điều trị khỏi thấp hơn nhiều so với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo bác sĩ Hà, dấu hiệu triệu chứng ung thư dạ dày ở người trẻ hay già không khác nhau, song người trẻ quan tâm hơn, đi khám sớm. Người già thường đến viện muộn hơn do tâm lý phiền con cháu, quá mức chịu đựng mới đi khám.
Ở giai đoạn sớm, khối u có kích thước nhỏ, triệu chứng mơ hồ, không rõ ràng, bệnh nhân ăn vào một chút cũng đầy bụng, chậm tiêu. "Bình thường ăn một chút chỉ 15 phút là tiêu hóa được, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể 2-3 tiếng vẫn chưa tiêu hóa hết, rất khó chịu" bác sĩ Hà nói. Ngoài ra, bệnh nhân khó chịu vùng bụng trên rốn, đau tức, đau nhẹ, thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế.
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân bị chướng bụng, thậm chí nhìn từ ngoài còn giống đang mang thai, hoặc sờ thấy trên cổ nổi hạch. Khi ung thư biến chứng, bệnh nhân thấy có chảy máu, đó là khi khối u trong lòng dạ dày đã "ăn" vào mạch máu, làm đứt mạch máu, khiến bệnh nhân nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen như nhựa đường.
Biến chứng khác là khối u lớn có thể bịt mất đường ra của dạ dày, khiến bệnh nhân phải nôn ra ngoài. Nhiều bệnh nhân K dạ dày cũng có biến chứng thủng thành dạ dày, dịch dạ dày chảy vào ổ bụng khiến nhiều người đau đớn dữ dội, sốt cao, phải mổ sớm trong 48 tiếng.
Với ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho việc điều trị đạt hiệu quả tối đa. Bệnh nhân có thể chỉ cần nội soi dạ dày và cắt hớt niêm mạc mà không cần phẫu thuật.
Ở giai đoạn tiến triển, nếu còn khả năng phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ phải mổ cắt dạ dày và vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau mổ, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hóa chất.
Bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật triệt căn thì vẫn được mổ, điều trị triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ.
"Nhiều trường hợp vẫn mổ, dù khối u vẫn còn, không thay đổi được thời gian sống, song giải quyết được vấn đề ăn uống, giúp chất lượng sống tốt hơn. Thay vì chỉ nằm trên giường nôn, truyền dịch, đau thì mổ xong, bệnh nhân sẽ ăn uống được, tận hưởng món ăn ngon...", bác sĩ Hà nói, thêm rằng phát hiện bệnh sớm hay muộn là yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư. Ở giai đoạn bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao đến 72-92% với khối u nhỏ. Phát hiện càng muộn, tỷ lệ khỏi giảm dần.
Người có nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày, tuổi cao, bản thân có tổn thương dạ dày như nhiễm khuẩn HP, teo niêm mạc dạ dày thì nên một năm đi nội soi một lần. Những người không có nguy cơ được khuyến cáo mỗi năm nên đi nội soi dạ dày đại tràng một lần khi qua tuổi 55.
Ngày 24/9, Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí về bệnh ung thư dạ dày, giúp người dân tham gia được tầm soát bệnh sớm.